Cuộc đời là những chuyến đi

RSS

About

Khúc tâm tình Hoài Ân

Hoài Ân là một huyện của tỉnh Bình Định. Huyện Hoài Ân có thị trấn là Tăng Bạt Hổ và 14 xã, trong đó có 5 xã có người dân tộc Ba-na, H're sinh sống.

Hoài Ân không có quốc lộ chạy qua, phía bắc có tỉnh lộ 629 nối với quốc lộ 1A tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, chạy qua địa phận 2 xã Ân Mỹ, Ân Hảo Đông lên tới huyện lỵ An Lão và đi Ba Tơ, Quảng Ngãi; phía nam có tỉnh lộ 630 nối với quốc lộ 1A tại cầu Dợi, Hoài Đức, Hoài Nhơn, chạy qua thị trấn Tăng Bạt Hổ, xã Ân Đức, xã Ân Tường Tây, xã Ân Nghĩa, lên huyện Kbang, Gia Lai nối với tỉnh lộ 637 qua huyện lỵ Vĩnh Thạnh và nối với quốc lộ 19 tại vườn Xoài, Tây Thuận, Tây Sơn. Ngoài ra còn có tỉnh lộ 631 nối với quốc lộ 1A tại đèo Nhông, Mỹ Trinh, Phù Mỹ chạy qua địa phận xã Ân Tường Đông tới Gò Loi, Tân Thạnh, Ân Tường Tây giáp với tỉnh lộ 630.

Nằm ở thung lũng miền núi, huyện Hoài Ân được biết đến như một miền quê yên bình với những vẻ đẹp sinh thái hoang sơ và một lịch sử oai hùng.

Viếng người anh hùng một thuở

Từ ngã ba Cầu Dợi, chúng tôi quẹo trái, đi thẳng khoảng 8km, con đường nhựa dài tít tắp nghiêng mình giữa hai hàng dừa xanh ngắt, một bên là núi, một bên là nước sông quê trong vắt, soi bóng hàng tre. Trước mắt chúng tôi là cổng chào của huyện Hoài Ân, nơi đây là một thung lũng yên ả được bao bọc bởi hệ thống núi xanh ngắt một màu.

Đặt chân đến trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ cũng là lúc mặt trời đã hé rạng, Điểm tâm sáng bằng một tô cháo lòng nóng hổi với miếng bánh tráng mì giòn tan, tôi và một người bạn ở đây bắt đầu chuyến hành trình khám phá thũng lũng Hoài Ân ở xã Ân Thạnh. Dulichgo

Qua cầu Ân Thường, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là nhà thờ chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ. Bước vào đền thờ, dâng nén nhang thơm tôi nghe trong gió tiếng vó ngựa của ông từ ngàn xưa vọng về, lòng tôi bồi hồi khôn tả: Người xưa với chiến công lẫy lừng một phương đã về với cõi vĩnh hằng, nhưng những chiến công hiển hách và giai thoại hào hùng vẫn còn mãi trong lòng người.

Đền thờ Tăng Bạt Hổ được xây dựng năm 2001 trên khu đất rộng trên 5.200m2 (tục danh là Gò Điếm). Ngôi đền gồm ba gian, được xây bằng gạch và bê tông cốt thép, gian giữa thờ cụ, cha mẹ và những bạn bè, đồng chí cùng ông chiến đấu trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Hai gian bên trái và phải là phòng khách, nơi trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông. Ngôi đền nằm trong một không gian thoáng mát, trong lành với những công trình phụ bao quanh. Ngoài thờ cúng, nơi đây còn là điểm tham quan của du khách và tổ chức các hoạt động văn hóa, tìm hiểu lịch sử địa phương của thể hệ trẻ.

Tự hào miền đất học

Rời đền thờ Tăng Bạt Hổ mang theo những vấn vương trong lòng, chúng tôi men theo con đường rợp bóng mát, rộn tiếng chim kêu, bước qua con đường đất đỏ, khu di tích Văn Chỉ Hoài Ân đã hiện ra trước mắt. Khu di tích Văn Chỉ được phục dựng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Hoài Ân (19/04/2012) trên nền di tích Văn Chỉ xưa. Đây được xem là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của người dân Hoài Ân với những hình ảnh của người khai khoa cụ Hồ Văn Nghĩa. Ông đỗ cử nhân năm Tân Tỵ (1821), năm Minh Mạng thứ 2 tại trường thi Gia Định và làm quan tới chức Tham Tri. Văn chỉ Hoài Ân là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa độc đáo, là nơi giúp những thế hệ người Hoài Ân theo bước cha anh đỗ đạt làm rạng danh quê hương. Đứng trước khu di tích, tôi càng thêm hiểu rằng cái khó khăn gian khổ không thể làm vơi ý chí con người. Các thế hệ con cháu Hoài Ân hôm nay luôn tự hào về bước đường truyền thống mà cha anh họ đã dày công dựng xây.

Sau Văn Chỉ, chúng tôi rời Ân Thạnh về lại thị trấn Tăng Bạt Hổ. Dừng chân tại tư gia của một người quen, chúng tôi được thết đãi món bánh tráng mì ăn với rau sống, thịt luộc. Trước mặt chúng tôi là một xấp bánh tráng mì nhúng nước, vài cái bánh tráng mì nướng, một rổ rau, một đĩa thịt ba chỉ thái mỏng, một đĩa trứng vịt làm chả, một chén mắm đục (mắm nêm), mắm mực. Bóp nhỏ bánh tráng nướng vào bánh nhúng, cho rau, thịt, trứng, rau cuộn lại chấm mắm (có thể chấm vào mắm nêm hoặc mắm mực tùy khẩu vị). Bà cụ chủ nhà cho biết, đây là món ăn rất đặc trưng của người dân quê Hoài Ân. Ăn vào có độ dẻo của bánh mì, quyện với âm thanh giòn giòn của bánh nướng, béo ngọt của thịt heo, trứng và cái đậm đà của mắm, một cảm giác ngon tuyệt đến khó tả.

Những con thác hữu tình

Hôm sau, rời thị trấn chúng tôi xuôi theo con đường nhỏ dài tít tắp phía trước băng qua những cánh đồng lúa mơn mởn thời con gái.Từ ngã ba Gò Loi (nơi tưởng niệm chiến thắng Gò Loi hiển hách của quân và dân Hoài Ân trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước) quẹo phải chạy thẳng 13km lên vùng miền núi, chúng tôi đặt chân đến địa phận xã Ân Nghĩa. Nơi đây được ví như một “nàng thơ” e ấp bởi những vẻ đẹp kỳ bí của những con thác.

Con thác đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến là thác Đổ. Những luồng nước chảy róc rách, trong veo mát rượi. Lần lượt leo qua những hòn đá muôn hình vạn trạng từ hòn voi, hòn mái nhà, hòn ngựa…

Chúng tôi vô cùng thích thú với những hình dáng của cỏ cây, thi thoảng gặp những nhánh lan rừng tỏa hương sực nức. Bỗng chúng tôi nghe trong gió tiếng rền vang của một con thác vọng ra rất gần, leo qua tảng đá lớn, trước mắt chúng tôi là hình ảnh thác Đổ hùng vĩ, tuôn dài như một áng tóc trữ tình. Con thác cao 46m, cuồn cuộn bọt tung trắng xóa, tiếng ì ầm âm vang cả một khoảng trời, tạo nên vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ. Dòng nước mát trong xanh khi ánh mặt trời chiếu thẳng xuống. Chông chênh bên dòng thác là những chùm phong lan đá, thủy tiên vắt vẻo phô sắc. Chúng tôi như lạc vào bản nhạc du dương của núi rừng, của tiếng chim hót, thứ âm thanh có sức lay gợn tâm hồn.

Rời thác Đổ, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá thác Trà Lan, một con thác đẹp của xã Bok Tới (giáp ranh với xã Ân Nghĩa). So với thác Đổ, thác Trà Lan không cao bằng nhưng hiền hòa, thiên nhiên thoáng đãng. Dulichgo

Nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Chuyện kể lại rằng, ngày xưa có một nàng tiên bay ngang qua vùng đất này làm rơi chiếc khăn tay, chiếc khăn tay bỗng hóa thành dòng thác này. Tại đây, chúng tôi lội vào những hốc nước mát lạnh bắt được rất nhiều ốc đá, và hái rau dớn, rau ranh…

Đây đều là những sản vật đặc trưng của vùng miền núi Hoài Ân. Rời Trà Lan cũng là lúc chiều tà, hoàng hôn đã bảng lảng trên những vạt rừng xanh ngắt, trong tôi cứ vướng víu hình ảnh những con thác hoang sơ kỳ thú và những sản vật mà thiên nhiên ban tặng.

Tạm biệt Hoài Ân sau một chuyến hành trình khám phá những địa danh trong những ngày lưu lại ngắn ngủi ở đây. Chúng tôi hy vọng, một ngày gần nhất sẽ trở lại mảnh đất anh hùng này để khám phá thêm những nét đẹp mới, giá trị mới.

Theo Ý Nhạc (Báo Du Lịch)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Uy nghiêm chùa cổ Thiên Bửu

Thiên Bửu là ngôi chùa cổ tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa do Tổ Tế Hiển - Bửu Dương, đời thứ 36 dòng Lâm Tế, khai sơn vào khoảng những năm trước 1763, là một trong những ngôi cổ tự tại thị xã Ninh Hòa.

Căn cứ vào một số hiện vật cổ còn lưu giữ được tại địa phương như bài vị của Tổ khai sơn và các Tổ kế thừa hiện thờ tại chùa Thiên Bửu; ngôi tháp cổ Bửu Dương; đại hồng chung còn lưu tại chùa Thanh Lương, làng Nhĩ Sự, xã Ninh Thân đúc vào thời Lê Cảnh Hưng có khắc tên Tổ Bửu Dương chứng minh đúc chuông.

上寶下楊和尚證明.大越國廣南處平康府新定縣中總平安社平安村.住持僧積仁大積仁大師.清涼寺奉佛今本道及十方善男信女眾等.景興二十四年四月吉日鑄鴻鐘…

Dịch theo tiếng Hán nôm rằng:
"Thượng Bửu hạ Dương, Hòa thượng chứng minh, Ðại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Khang phủ, Tân Ðịnh huyện, Trung tổng, Bình An xã, Bình An thôn. Trụ trì tăng Tích Nhơn Đại sư, Thanh Lương tự phụng Phật, kim bổn đạo cập thập phương thiện nam tín nữ chúng đẳng. Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tứ ngoạt kiết nhựt chú Hồng Chung…”

Có nghĩa là: “Tại thôn Bình An, xã Bình An, tổng Trung, phủ Bình Khang, huyện Tân Định, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt, Hòa thượng húy thượng Bửu hạ Dương Chứng minh đúc Đại Hồng Chung, vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), tháng tư ngày lành (Phật Đản) chuông do Ðại sư Tích Nhơn trụ trì chùa Thanh Lương cùng thiện nam tín nữ, thập phương bổn đạo cúng dường tạo lập…“; bức Giới Đao Độ Điệp của Tổ Huệ Thân còn lưu tại chùa Thiên Bửu (hạ), đối chiếu với sử liệu, có thể xác định khái quát về lịch sử thành lập chùa.

Năm 1653, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần thu phục vùng đất của Chiêm Thành từ Đèo Cả đến sông Phan Rang, đặt dinh Thái Khang tức Khánh Hòa ngày nay, gồm 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh, cử cai cơ Hùng Lộc làm trấn thủ và đưa dân vào khai hoang lập làng theo chính sách di dân. Chính sách này đã có từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi thu phục đất Phú Yên năm 1611 và được thực hiện liên tục, bền bỉ qua 8 đời Chúa, đến năm 1759 thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thì hoàn tất cuộc Nam Tiến, mở đất, di dân và đặt nền cai trị lên cả một dải đất mới bao la, trù phú chạy dài từ đèo Cù Mông tới mũi Cà Mau. Dulichgo

Dưới thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Phật giáo rất hưng thịnh, chùa chiền được xây cất.khắp nơi. Ngay các Chúa cũng rất sùng đạo (như Chúa Tiên, Chúa Sãi, đặc biệt Chúa Nguyễn Phúc Chu đã quy y, thọ Bồ Tát giới tại gia với thiền sư Thạch Liêm, có pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng Đạo Nhân).

Trong bối cảnh đó, cùng với dòng người di dân vào Nam khai phá, Thiền sư Tế Hiển - Bửu Dương rời Thuận Hóa lên đường vào đất Thái Khang (Ninh Hòa), lập một ngôi chùa bên bờ hữu ngạn sông Lốt đặt tên là Thiên Bửu Tự, dân gian quen gọi là chùa Thiên Bửu (thượng). Sau đó, Ngài lập tiếp bên bờ hữu ngạn sông Dinh (hiện nay là thôn Bình Thành, xã Ninh Bình) một ngôi chùa thứ hai cùng tên, dân gian quen gọi là chùa Thiên Bửu (hạ). Hai ngôi chùa như hai anh em, có cùng tên và cùng một Tổ khai sơn, có niên đại cách nay trên dưới 300 năm.

Theo hồ sơ khảo sát của Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa và qua những tài liệu lịch sử đã thu thập được cho thấy, ngôi chùa hiện nay có diện tích còn khoảng 4.000 m2, do Tổ Tế Hiển-Bửu Dương là người phát tâm xây dựng chùa vào khoảng những năm trước 1763. Thuở ban đầu mái chùa lợp bằng cỏ tranh và vào năm 1763, ngài chứng minh đúc đại hồng chung, tại chùa Thanh Lương (thôn Nhĩ Sự, xã Ninh Thân, Ninh Hòa).

Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ "Môn" gồm Chánh điện, Đông lang, Tây lang. Chánh điện có 3 gian, bài trí tôn nghiêm. Gian giữa ngôi chánh điện đặt pho tượng Phật Thích Ca ngồi cao lớn sơn son thếp vàng, cùng nhiều tượng Phật khác như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc... Gian bên trái thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát, gian bên phải thờ Ông, tức Quan Công. Nhà Tây thờ vị sơ Tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma, cùng bài vị của Tổ khai sơn và các vị trụ trì.

Là ngôi chùa cổ trên 300 tuổi, ngôi danh lam thắng tích, nơi đây đã lưu lại những câu đối ghi lại quá trình hình thành và phát triển ngôi chùa:

Trước cổng tam quan, cửa chính giữa bảng hiệu “Thiên Bửu tự” (天  寶  寺) hai bên có câu đối:
Thiên nhân cung kính Thế tôn, phước huệ viên  dung khai giác lộ
Bửu địa trang nghiêm Phật độ, nhân duyên thành tựu  khải từ môn

Nghĩa là:
Trời người cung  kính Thế  tôn phước huệ, tròn đầy  mở đường giác
Đất quí trang nghiêm cõi Phật, duyên lành thành tựu  khải cửa từ

Tháp Bửu Dương là nơi an nghỉ của tổ sư khai sơn Hoà thượng Tế Hiển - Bửu Dương, cấu trúc hình chữ kim bát giác đứng trên bệ đế tám cạnh. Tháp cao 5,5m, trên đỉnh có mô hình hoa sen đỡ bầu rượu, tất cả có 7 tầng vị chi 56 mặt và 56 góc, 56 góc của tháp gắn 56 đầu rồng. Chung quanh tháp bao bọc bờ thành cao 1m rộng 6 tấc, bốn góc thành xây đắp 4 hoa sen. Tầng trên cùng, ba mặt trước trang trí hình lưỡng long tranh châu, các mặt chung quanh còn lại đắp hình những linh vật kỳ lân phụng hoàng. Kế dưới là tầng có 40 mặt chạm trổ chữ bùa, hình mai lan cúc trúc… Tầng dưới cùng phía trước đặt tấm bia, 7 mặt còn lại khắc các bài kệ bài tán bằng thể ngũ ngôn hay bát cú.

Đặc biệt, trước sân chùa có  cây me cổ thụ cao sừng sững trên 20 mét, gốc to chu vi gốc me hơn 8 mét, tán lá cây rất rộng, có trái quanh năm. Cây me có nhiều bọng rỗng trên các nhánh nên trong thời Việt Minh chống Pháp người ta thường dùng các bọng cây này làm hộp thư bí mật.

Năm 1946 dưới gốc me còn lập một lò rèn để đúc kiếm Lê Trung Đình. Qua cổng tam quan, bên lối gạch vào chùa là hai cây sứ được trồng từ thời Tổ Phước Tường về trụ trì cách nay cũng đã gần 100 năm.

Trước và trong năm 1930, chùa là nơi thanh niên trong vùng tụ tập để luyện võ nghệ, sinh hoạt văn hóa và tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước. Qua đó, góp phần quan trọng trong cuộc biểu tình giành chính quyền ngày 16-7-1930 của Đảng bộ và nhân dân Ninh Hòa...

Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp, Tổ Tâm Kính - Bảo Thành trụ trì chùa Thiên Bửu, vì đã có các hoạt động giúp đỡ Việt Minh nên ngài đã bị giặc Pháp bắt và ném xuống giếng ngay tại chùa…
Chùa Thiên Bửu đã được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Đạo Phật Ngày Nay, Wikipedia, Phật Tử VN và nhiều nguồn khác.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Làng nghề bánh tráng Trường Cửu, Nhơn Lộc

Đến xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những vỉ bánh tráng phơi dọc hàng rào hai bên đường. Trong số sáu thôn của xã, Trường Cửu là nơi sản xuất bánh tráng  nhiều nhất nên được mệnh danh là làng bánh tráng Trường Cửu. Bánh  tráng ở đây không trắng, mỏng như loại thường thấy ở các chợ, mà dày và đen hay vàng còn tùy vào loại mè người ta bỏ vào bánh.

Theo các bậc cao niên trong thôn, làng bánh tráng Trường Cửu được hình thành từ hàng trăm năm trước. Thời đó, nơi này chỉ có vài chục nóc nhà làm bánh, nhưng đã cung cấp cho cả xã, cả thị xã. Tiếng lành đồn xa, cho đến nay, nhắc đến Trường Cửu là người ta nghĩ ngay đến… bánh tráng. Theo thời gian, số hộ làm bánh trong làng ngày càng đông vì cứ hễ nhà nào có con lập gia đình, ra ở riêng, là làng có thêm một hộ làm bánh tráng. Đến nay, khắp làng đã có gần 200 hộ làm bánh tráng chuyên nghiệp.

Cũng như bao làng quê khác làm nghề tráng bánh ở Bình Định, người phụ nữ ở Trường Cửu đóng vai trò chính trong công việc này. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, họ đã thức dậy, ngâm gạo, xay và pha bột. Kế đến là đốt lò và đặt lên đó một nồi nước lớn có căng tấm vải trên miệng nồi để làm khuôn. Đợi nước sôi, họ dùng một vá dừa nhỏ, múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại. Một lát sau, họ dùng cái nẹp tre hay chiếc đũa lớn vớt bánh ra, trải lên vỉ tre, mang đi phơi. Bà Nguyễn Thị Hoa, người hơn 30 năm làm bánh tráng ở Trường Cửu, cho biết: “Để tráng được chiếc bánh ngon, khâu quan trọng nhất là phải chọn loại gạo tốt. Để bánh dẻo, thơm, không bở, người ta gia thêm bột mì vào bột và rắc nhiều mè lên bánh. Khi đổ bột lên khuôn, phải lắc thật đều tay để bánh tròn, đẹp, không chỗ dày chỗ mỏng. Người ta thường bỏ mè vào bột trước khi tráng bánh. Riêng tôi, khi đổ bột lên khuôn, còn rắc thêm mè, để bánh thật thơm. Ngoài ra, còn phải biết ước chừng lượng nước khi pha bột và canh lửa hợp lý, để bánh giòn, ngon”.

Ngồi một lúc lâu, trên trán bà Hoa đã lấm tấm mồ hôi. Ngoài sân, trời nắng chang chang, con gái bà tay thoăn thoắt trở những vỉ bánh, rồi nhanh nhẹn gỡ những chiếc bánh khô, cột lại thành từng ràng. Những ràng bánh này sẽ được đem ra chợ bán hoặc giao cho các thương lái.

Ở Bình Định, hầu như nhà nào cũng có sẵn ràng bánh tráng trong nhà. Bánh tráng mè của Trường Cửu dày, không dùng để cuốn, mà để ăn không, chấm với nước mắm nhỉ. Trời trưa nắng gắt, đi làm đồng về, thấy mệt trong người, anh chồng bảo cô vợ nhúng cho cái bánh tráng mè ăn đỡ đói. Cái dẻo, dai của bánh, vị thơm của mè lan khắp đầu lưỡi, làm anh thấy thật khoan khoái. Sẵn lò than đang cháy dở, anh bảo vợ nướng cái bánh mè. Cái bánh nướng vàng rộm, bẻ một miếng phát ra tiếng rốp giòn tan. Ăn hết bánh mà vị thơm của gạo của mè, vẫn còn đọng. Dulichgo

Trong khi một số làng nghề khác đang chịu nhiều sự cạnh tranh gay gắt và có nguy cơ bị mai một, thì làng bánh tráng Trường Cửu ngày càng được mở rộng vì có đầu ra ổn định. Có lẽ bởi bánh tráng Trường Cửu có chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại hợp lý. Hiện trung bình một ngày, các hộ làm ra khoảng 50 đến 70 kg bánh (khoảng 40 ràng), có hộ làm đến cả tạ bánh. Giá một ràng hiện dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi hộ lãi gần 100.000 đồng/ngày.

Thời gian làm bánh cao điểm là từ tháng tám đến tháng chạp âm lịch, để chuẩn bị bán Tết. Trường Cửu vào những ngày này nhộn nhịp như hội, nhà nhà làm bánh, người người làm bánh. Các hộ trong làng thức cả ngày lẫn đêm, để pha bột, tráng bánh, phơi bánh. Tiếng chuyện trò, cười nói râm ran khắp nơi. Anh Nguyễn Văn Cường - một hộ làm bánh tráng cho biết: “Vào thời gian đó mà có ai mời đám cưới, đám giỗ thì đành chịu. Chúng tôi hầu như không có một chút thời gian nào ngơi tay, đến cả buổi tối cũng còn phải sấy bánh cho khô để kịp giao hàng”.

Theo web An Nhơn - Bình Định
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Cây di sản xứ Quảng

(BQN) - Thời gian gần đây, cây di sản trở thành một trong những địa chỉ du lịch lý thú cho người yêu thiên nhiên.

< Cây đa mọc phủ cổng tam quan tại đình Thất Phái thành phố Tam Kỳ.

Xứ Quảng có nhiều cây di sản độc đáo. Có những cây sanh cổ thụ ôm tròn ngôi miếu hay cây đa có bộ rễ đẹp đan xen nhau tạo thành cổng tam quan như đình Thất Phái thành phố Tam Kỳ. Tên cây được đặt cho địa danh như cây cốc (ngã ba Cây Cốc ở Thăng Bình). Đặc biệt như cây sưa trên 400 tuổi trong vườn của ông Nguyễn Văn Ba (thôn Thuận An, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) đã định danh cho tên đất tên làng gọi là xóm sưa, cánh đồng sưa.


< Cây rổi ở làng Thạch Tân.

Thân cây cao 30m, 7 - 8 người ôm không xuể. Cạnh gốc cây có miếu thờ. Dù nhiều người hỏi mua nhưng chủ nhân của nó không bán, bởi quan niệm đó là “báu vật” của tổ tiên cần gìn giữ. Dưới tán cây sưa này cũng là nơi cán bộ cách mạng từng ẩn náu, hoạt động trong những năm chiến tranh; bây giờ là điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân nơi đây.

Một số cây gắn liền với các sự kiện lịch sử nên cây cũng là một phần của di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh hay cấp quốc gia. Lần theo sử liệu, lỵ sở Hà Đông được dời về Tam Kỳ, đổi thành phủ Tam Kỳ từ năm Thành Thái thứ 18 (năm 1906), đặt phủ đường ngay tại mảnh đất nay thuộc khuôn viên trụ sở UBND phường An Mỹ.  Cây đa nơi đặt nhà bia Di tích phủ lỵ Tam Kỳ trở thành chứng nhân cho hành trình  xây dựng và phát triển của một vùng đất. Dulichgo

Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cây di sản là những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm trở lên, có dáng đẹp, hùng vĩ, gắn liền với giá trị sâu sắc về khoa học, về môi trường, văn hóa, lịch sử, dân tộc... Cây di sản có thể là cây tự nhiên hoặc là cây do con người trồng nhưng phải có hình dáng đặc sắc. Đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.

< Cây đa ở di tích phủ lỵ Tam Kỳ.

Ở xã Tam Thăng, cây rõi là cây cổ thụ gần 300 năm tuổi gắn bó với di tích đình Thạch Tân và địa đạo Kỳ Anh. Điều kỳ lạ là giữa vùng cát trắng mênh mông bị cày ủi của phi pháo, của xe tăng, của bom napan, nhưng cây rõi vẫn đứng hiên ngang, sừng sững giữa trời. Thời chiến tranh ác liệt, du kích và dân trong làng dùng cây rõi như đài quan sát. Họ thường leo lên ngọn cây, theo dõi các hoạt động của địch để báo cho du kích ẩn náu xuống địa đạo hoặc tìm cách đối phó với tình hình.

Ở miền núi xứ Quảng càng có nhiều cây cổ thụ. Hai cây đa ngàn tuổi ở vùng cao khu 7, huyện Tây Giang gắn với truyền thuyết lập làng và là chứng nhân cho lời thề đoàn kết giữa hai làng dân tộc Cơ Tu. Rừng gỗ pơ mu với số lượng hàng ngàn cây nơi đây cũng là cây di sản quý hiếm đang được cộng đồng bảo vệ, giữ gìn một cách tốt nhất - là nét độc đáo trong hệ sinh thái vùng Đông Trường Sơn...

Theo Tấn Vịnh (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse

(VNT) - Nhà thờ Lớn Hà Nội (tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của tổng Giám mục. Đây cũng là một nhà thờ cổ tại thành phố này, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

Theo một số tài liệu lịch sử như sách của Louvet "La vie de Mgr. Puginier", tiểu thuyết lịch sử "Bóng nước Hồ Gươm" của Chu Thiên, các tài liệu trong Văn khố Hội Thừa sai Paris (M.E.P.) … thì khu đất này xưa kia là khu đất của Báo Thiên Tự (Chùa tháp Báo Thiên) được xây dựng từ đời Nhà Lý. Đây là một ngôi quốc tự nổi tiếng của kinh đô Đại Việt trong suốt các triều đại từ Lý-Trần. Đến thời Lê – Nguyễn, đây vẫn là nơi diễn ra các nghi lễ Phật giáo cầu cho quốc thái dân an...

Các tài liệu nói về sự kiện phá hủy chùa Báo Thiên không thống nhất với nhau. Theo Bùi Thiết trong Tự điển Hà Nội địa danh, chùa Báo Thiên đến cuối thế kỷ 18 đã bị phá hủy và nền chùa cũ trở thành đất họp chợ trước khi chuyển giao cho nhà thờ. Còn ông Thống sứ Bắc Kỳ Raoul Bonnal, người chứng kiến việc chuyển giao khu đất, đã viết trong cuốn Au Tonkin rằng Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã cố gắng lấy lòng Giám mục bằng cách lấy lý do ngôi chùa đã đổ nát và không tìm thấy hậu duệ của người thành lập ngôi chùa nên đã cho phá sập và chuyển nhượng khu đất cho nhà thờ.

Sau nhà thờ tạm bằng gỗ, từ năm 1884-1888, Giáo hội Công giáo tiến hành xây nhà thờ bằng gạch, tốn phí khoảng 200.000 franc Pháp. Khi đó, Giám mục xin chính quyền bảo hộ Pháp cho mở xổ số để quyên góp. Sau hai lần bị từ chối, cuối cùng ông cũng được chấp thuận mở hai đợt xổ số (đợt một năm 1883, đợt hai năm 1886), quyên góp được khoảng 30.000 franc Pháp, cộng với các nguồn tài trợ khác, đủ kinh phí hoàn thành nhà thờ vào năm 1886.

Nguyên thủy, nhà thờ này có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph) do vào năm 1678, Giáo hoàng Innôcentê XI tôn phong Thánh Giuse (cha nuôi của Chúa Giêsu) làm thánh quan thầy của nước Việt Nam và các nước lân cận. Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là "Nhà thờ chính tòa kính Thánh Giuse". Lễ khánh thành được tổ chức đúng vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887). Dulichgo

Nhà thờ hiện nay tọa lạc tại số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nằm trên một khu đất rộng, liền kề với tòa tổng Giám mục Hà Nội, Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Phía sảnh trong nhà thờ, có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và toàn bộ các cửa sổ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothique, kết hợp với các cửa cuốn nhọn là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh vi độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m.

Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp.

Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau có hang đá. Hiện nay toàn bộ không gian và cảnh quan nhà thờ bị chen lấn bởi sự phát triển của đô thị, mất đi sự tương xứng với quy mô đồ sộ của nhà thờ.

Nhà thờ lớn Hà Nội là Nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội, là một trong những trung tâm của các hoạt động Công giáo tại Hà Nội và các vùng phụ cận. Ngày thường, nhà thờ có 2 thánh lễ, ngày Chủ nhật có 7 thánh lễ. Ngoài ra, nhà thờ còn tổ chức lễ rước thánh Quan thầy của Tổng giáo phận Hà Nội là Thánh Giuse vào ngày 19 tháng 3 hàng năm.

Theo VnTimes, ảnh internet
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Về Hồ Sịn làm nông dân

(BQN) - Cách phố cổ Hội An khoảng 3km về hướng đông có một vùng quê tưởng chừng như tách biệt với thế giới bên ngoài, đó chính là Hồ Sịn (khối Thanh Tây, Cẩm Châu, Hội An).

Người dân nơi đây kể rằng, Hồ Sịn khi xưa là một vùng sát biển tàu bè đậu đỗ rất nhiều. Người Pháp đã đắp con đường ngăn mặn kéo dài đến làng Trà Quế ngày nay để lấn biển, biến nơi đây trở thành những bãi lầy trù phú cá tôm. Dấu tích còn lại là những địa danh như Thuyền Đen, Vũng Dừa, Bà Chương… minh chứng về một thời sông nước dạt dào của vùng đất này. Không biết từ bao giờ Hồ Sịn đã trở thành điểm tham quan ưa thích của khách du lịch,  nhất là những cặp tình nhân. Họ đến vui chơi, chụp ảnh lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của chuyến đi hay lặng lẽ ngắm nhìn mây nước, nghe tiếng gió lào xào những tàn cây.

Đến Hồ Sịn vào buổi trưa, lang thang trên con đường vắng lặng dưới hàng dừa, ghé vào căn lều của những người nuôi tôm, du khách sẽ cảm nhận được không gian yên tĩnh thoáng đãng của thiên nhiên giữa một vùng sinh thái hiền hòa. Hồ Sịn càng nên thơ và đẹp hơn vào khoảng chiều tà, lúc hàng đàn chim bói cá, cò, vạc kéo nhau về tranh đuổi, giành ăn trên các vuông tôm cạn nước, rồi nháo nhác bay lên khi phát hiện bóng người. Dulichgo

Những năm gần đây Hồ Sịn trở nên nổi tiếng khi nhiều công ty du lịch tổ chức các chương trình đưa khách đến cưỡi trâu thăm thú cảnh đẹp làng quê. Nhìn những du khách nước ngoài cao to, áo tơi nón lá cưỡi trên lưng trâu lội nước, băng đồng trong tiếng nói cười thích thú mới thấy được sức hấp dẫn mà Hồ Sịn mang lại. Hãy đến để cảm nhận một không gian chỉ cách thành phố vài phút chạy xe nhưng dường như hoàn toàn khác lạ với khung cảnh náo nhiệt của phố phường.

Theo Gia Khang (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

8 lưu ý khi chụp ảnh bằng điện thoại

(TT.VN) - Với sự hiểu rõ và khai thác tối đa khả năng của camera điện thoại, cho phép người dùng có những khung ảnh ấn tượng.

< Hãy lau sạch camera trước khi chụp.

Camera điện thoại là công cụ chụp ảnh linh hoạt tiện dụng. Camera điện thoại cũng có những giới hạn nhất định và chúng vẫn không thể thay thế một chiếc máy ảnh đúng nghĩa. Nhưng, với sự cố gắng của người chụp, hiểu rõ và khai thác tối đa khả năng của nó, sẽ cho phép bạn có những khung ảnh ấn tượng. Một trong những điều đơn giản nhất khi bấm chụp tấm ảnh bằng điện thoại, đó là...

1. Lau sạch camera trước khi chụp

Camera điện thoại khá nhỏ, không có nắp đậy, chúng ta thường bỏ túi và sử dụng rất nhiều lần trong ngày, nên bụi thường bám trên bề mặt camera. Trước khi chụp hình, bạn nên lau nhẹ bằng vải mềm để lớp kính bảo vệ camera sạch sẽ, ảnh sẽ trong và rõ nét hơn.

2. Lấy nét

Bạn phải lấy nét trước khi chụp. Không ít người giơ điện thoại lên và bấm ngay nút chụp. Sau đó, xem lại bức ảnh và "Oh! máy chụp mờ mờ nhỉ!". Bạn phải lấy nét trước khi chụp, dù đó là thiết bị chụp ảnh nào, bất kể điện thoại nào. Nếu bạn cứ khoán hết cho "sự thông minh" của điện thoại, đôi lúc nó tự vận hành lấy nét rất chậm (với một số dòng điện thoại) hoặc đôi lúc nó không tự thực hiện đúng ý muốn của bạn.

Có hai loại lấy nét trên điện thoại:
Một số dòng máy như Lumia, BlackBerry... có nút chụp cứng riêng biệt, bấm 1/2 nút để lấy nét trước khi bấm chụp. Các máy có nút chụp cứng riêng thế này thuận tiện rất nhiều trong một số trường hợp phải cầm 1 tay chụp.

Một số dòng điện thoại khác không có nút chụp cứng, như iPhone chẳng hạn, bạn hãy chạp vào một điểm trên màn hình mà bạn muốn để lấy nét trước khi chạm nút chụp. Các máy này đều có nút chụp bằng nút tăng giảm âm lượng và chỉ bấm chụp mà không có chức năng lấy nét nên vẫn phải chờ máy lấy nét tự động hoặc lấy nét bằng cách chạm vào màn hình. Nếu nút âm lượng gần camera thì chú ý ngón tay bấm dễ che mất một góc của khung hình. Dulichgo

Đôi khi, bạn muốn khoá điểm lấy nét, tức là ảnh sẽ nét tại chủ thể đó khi bạn đưa máy qua lại một chút để bố cục lại khung hình mà máy không tự động lấy lại điểm nét. Cả hai cách lấy nét, bạn đều bấm giữ hoặc chạm điểm nét trên màn hình và giữ cho đến khi ô vuông lấy nét màu vàng xuất hiện chữ AE/AF LOCK. Để huỷ điểm khoá nét, bạn chạm vào điểm khác trong màn hình.

3. Ổn định camera

Cầm điện thoại đủ vững để ảnh chụp được nét. Điện thoại càng dao động nhiều thì nguy cơ ảnh mờ nhoè càng nhiều. Thường thường, máy ảnh sẽ bị tác rộng rung nhiều nhất khi bạn bấm nút chụp. Nếu là nút cứng, người mới chụp sẽ bấm mạnh tay và ấn luôn cả một bên điện thoại xuống; nếu là nút chụp mềm, thì động tác chạm dễ tạo ra tác động rung lắc máy.

Có một số dòng camera điện thoại có trang bị hệ thống ổn định hình ảnh, giữ cho bức ảnh sắc nét hơn. Nhưng, một số dòng khác không có hệ thống này, nên người chụp phải cố gắng giữ cho máy ít bị dao động nhất khi thao tác chụp.

4. Bố cục theo tỷ lệ 1/3

Khi đưa máy điện thoại lên, bạn sẽ phản xạ chọn khung ảnh theo bố cục phù hợp, để đối tượng cần chụp được nổi bật hoặc ấn tượng. Bước sơ khởi cho những người mới vẫn là tuân theo "Bố cục theo tỷ lệ vàng 1/3". Khung ảnh được chia thành 9 phần bằng nhau với hai cặp đường thẳng ngang và dọc cắt khung hình với khoảng cách đều. Khi quen dần, điều này sẽ gần như trở thành thói quen khi mắt bạn đưa vào khung ngắm và lúc đó mới nghĩ đến các kiểu phá bố cục.

Nên bật tính năng Grid On. Hầu hết các điện thoại đều có chế độ bật lưới Grid để dễ cân chỉnh bố cục và tránh khung ảnh bị nghiêng lệch theo chiều ngang hoặc chiều đứng.
Với ảnh phong cảnh, Grid này giúp bạn hạn chế chụp bức ảnh có đường chân trời bị nghiêng lệch. Đường chân trời là đường chia khung ảnh thành 2 phần theo tỷ lệ 1/3 hoặc 2/3.

5. Dịch chuyển máy ảnh lại gần hơn

Dịch chuyển vị trí đứng để thay đổi góc nhìn sự vật. Nếu có thể, sau khi bấm chụp một khung ảnh, bạn tiếp tục dịch chuyển thay đổi vị trí đang đứng, bạn sẽ có thêm khung ảnh rất khác. Ống kính của camera điện thoại luôn cố định một góc nhìn và thường là khá rộng. Nên chụp ảnh bằng điện thoại, việc thay đổi vị trí chụp sự vật càng phải nhiều hơn.

6. Thay đổi góc nhìn

Các góc cạnh của vật thể đều có sức hấp dẫn riêng cho khung ảnh. Khi tập trung vào một sự vật, bạn có thể cắt bỏ không lấy những thành phần khác nhau để chuyển tải ý tưởng khác nhau.

7. Hướng sáng

Có 2 loại nguồn sáng: thiên nhiên và nhân tạo. Nguồn sáng thiên nhiên chủ yếu là ánh sáng mặt trời; nguồn sáng nhân tạo là các loại ánh sáng do con người tạo ra như các loại đèn điện chẳng hạn.

Khi có nguồn sáng rồi, xác định và chọn hướng sáng chiếu trực tiếp hoặc phản chiếu đến chủ đề chụp là quan trọng. Ánh sáng đi theo đường thẳng và vật thể sẽ phản chiếu ánh sáng đó để máy ảnh ghi hình. Đó có thể là hướng thuận hoặc ngược với chiều ống kính, có thể là nghiêng một góc bên trái hoặc phải, có thể là chênh trước hoặc sau, có thể là trên thẳng xuống như mặt trời giờ ngọ hoặc hất dưới lên. Mỗi hướng sáng đều tạo nên sự diễn tả sự ấn tượng về vật thể khác nhau khi bạn chụp hình nó.

Với điện thoại, thông thường chụp thuận sáng (nguồn sáng chiều từ sau lưng người chụp đến đối tượng trước ống kính) sẽ có ảnh no màu và chi tiết tốt; một số máy chụp ngược sáng tốt và môt số điện thoại không nên chụp ngược, ảnh sẽ không dùng được. Bạn phải biết rõ thiết bị của mình có khả năng chụp chênh sáng, lệch sáng, ngược sáng không.

8. Chỉnh sửa hậu kỳ

Camera điện thoại nào cũng tích hợp sẵn một ứng dụng chỉnh sửa ảnh sau khi chụp. Hầu hết ứng dụng này rất đơn giản và trực quan. Đó là những công cụ giúp bạn cắt cúp (crop) lại khung ảnh cho phù hợp với ý mình hơn, là công cụ tăng giảm lượng sáng 1 chút, độ tương phản ảnh hoặc độ sắc nét 1 chút, hoặc một số hiệu ứng giả lập màu.

Nếu bạn không thích ứng dụng cắt cup chỉnh sửa ảnh mặc định của máy, tùy theo mức độ và loại điện thoại mà bạn có thể cài đặt thêm các công cụ chỉnh sửa đơn giản đến phức tạp khác. Các ứng dụng chỉnh sửa cài đặt mình ưa thích: Trên Windows Phone: Có Fotor và Photo Express. Trên các máy chạy Android, cá nhân mình luôn thích Snapseed.

Và...

Bất kỳ ai, muốn tạo được những bức ảnh đẹp, ấn tượng, độc đáo thì phải dám vứt bỏ mọi "tiêu chuẩn" hàn lâm, từ chương, lý thuyết. Cách thể hiện ý đồ chụp ảnh sao cho hiệu quả phụ thuộc vào khả năng xử lý kỹ thuật của người cầm máy. Nhưng không nên cường điệu giá trị của kỹ thuật quá phạm vi của nó. Kỹ thuật chỉ là một bước trong cả quá trình sáng tạo. Đi tìm nghệ thuật trong sự hoàn hảo của kỹ thuật là một sai lầm buồn và lún sâu vào các "tiêu chuẩn".

Theo Tuan_lionsg (Tinh Tế)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Pháo hoa đón chào năm mới 2015

TPHCM sẽ tổ chức chương trình pháo hoa kết hợp trình chiếu laser nghệ thuật tại tòa nhà cao nhất của thành phố là Bitexco Financial Tower vào Tết Dương lịch 2015.

Chiều ngày 17-12, Ban tổ chức đã chính thức giới thiệu chương trình biểu diễn pháo hoa kết hợp với phần âm thanh và biểu diễn ánh sáng laser 3D kéo dài 15 phút tại tòa tháp 68 tầng Bitexco Financial Tower ở trung tâm thành phố, từ 00h00 đến 00h15 ngày 1-1-2015. Chương trình này - do Tập đoàn Bitexco, chủ đầu tư của tòa tháp tài trợ  - là một trong những chương trình văn hóa, nghệ thuật chào đón năm mới 2015 của TPHCM.

Pháo hoa sẽ được bắn từ tầng có sân đỗ trực thăng (tầng 52) hướng lên phía trên của tòa nhà, do Công ty Ruggieri của Pháp - đơn vị từng thực hiện chương trình pháo hoa tại tòa nhà Burj Ai Arab nổi tiếng ở Dubai, thực hiện. Hơn 1.300 ống pháo hỏa thuật cũng được nhập khẩu từ Pháp để phục vụ chương trình. Trong 15 phút bắn pháo hoa sẽ trình diễn ánh sáng laze 3D tạo hình cờ Tổ quốc, cờ Đảng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các công trình biểu tượng của thành phố trên 2 mặt tháp Bitexco. Ngoài ra, để hỗ trợ cho hiệu ứng của pháo hoa đối với công chúng, ekip bắn pháo hoa sẽ dàn dựng âm thanh phát ở một số điểm trong TP.HCM.

Pháo hoa lần này chính yếu do Công ty Ruggieri của Pháp thực hiện với 1.328 ống pháo hoa nhập từ Pháp. Công ty này có bề dày thành lập từ năm 1789, là công ty thuộc loại hàng đầu thế giới thực hiện chương trình bắn pháo hoa trên các tòa nhà cao tầng. Cùng thực hiện bắn pháo hoa lần này với Ruggieri là Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 (Bộ Quốc phòng) Việt Nam. Dulichgo

Trong tối 31-12, toàn bộ dịch vụ của tòa nhà Bitexco sẽ được mở cửa tới 9h30 rồi phong tỏa để đảm bảo an toàn cho việc bắn pháo hoa. Các con đường lân cận gồm Tôn Thất Đạm, Hàm Nghi, hẻm số 2-Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu và một phần đường Tôn Đức Thắng; các đoạn đường Hải Triều, Ngô Đức Kế sẽ bị cấm giao thông từ 23 giờ ngày 31-12 đến 0h30 ngày 1-1-2015. Ngày hôm sau tòa nhà sẽ hoạt động lại bình thường. Dulichgo

Theo Ban tổ chức, người dân không nên đến sát tòa tháp để xem pháo hoa vì sẽ rất khó thấy mà nên xem pháo hoa ở các vị trí khác như từ đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Công viên 23-9, đường Tôn Đức Thắng... Tuy nhiên, vị trí được cho là tốt nhất để xem pháo hoa là bên kia hầm Thủ Thiêm, phía quận 2. Trong vòng bán kính 1 km, người dân cũng có thể nghe được phần âm nhạc phát ra từ sự kiện này.

Ngoài bắn pháo hoa ở tòa nhà Bitexco, tết Dương lịch này TPHCM cũng sẽ bắn pháo hoa ở Công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 11. Dự kiến đến tết Âm lịch, TPHCM sẽ bắn pháo hoa ở nhiều điểm hơn, khoảng 7 điểm và đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam (30-4-2015) sẽ bắn pháo hoa ở 7 đến 8 điểm. Tất cả kinh phí thực hiện lấy từ nguồn xã hội hóa.

TPHCM tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật mừng năm mới 2015

Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao TPHCM, thành phố sẽ tổ chức nhiều sự kiện chào mừng năm mới 2015:

- Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại khu A, Công viên 23/9, quận 1 từ 20h30 ngày 31-12-2014 đến 0h30 ngày 1-1-2015 và từ 20h ngày 1-1-2015;
- Chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật kết hợp trình diễn ánh sáng trong đêm giao thừa ở tòa tháp Bitexco và bắn pháo hoa ở Công viên Văn hóa Đầm Sen;
- Đua thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ 6h40 đến 11h30 ngày 28-12-2014;
- Đua xe đạp trên đường Mai Chí Thọ, Quận 2 từ 6h30 đến 11h30 ngày 2-1-2015;
- Trang trí ánh sáng đường phố trên nhiều tuyến đường như Hàm Nghi, Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch...

Đại lộ Hàm Nghi thành Đường hoa tết Ất Mùi

TPHCM đang hoàn tất những khâu cuối cùng để biến đường Hàm Nghi, quận 1, thành Đường hoa tết Ất Mùi thay cho đường Nguyễn Huệ như những tết trước.

Đường hoa tết sẽ mở cửa trong 7 ngày, từ ngày 16-2-2015 đến ngày 22-2-2015, tức là từ ngày 28 tháng Chạp đến Mùng 4 tết Ất Mùi. Theo Saigontourist, đường hoa tết năm nay có chủ đề "Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam", sẽ được sắp đặt trên phần lớn đường Hàm Nghi, từ bùng binh Quách Thị Trang đến đường Hồ Tùng Mậu; đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến đường Tôn Đức Thắng sẽ dành cho sự kiện Đường Sách. Vào dịp tết, cả đường Hàm Nghi cũng sẽ đươc trang trí ánh sáng đèn.

Trong bảy ngày mở cửa, Đường hoa còn có thêm các sự kiện kết nối khác như trưng bày nghệ thuật sắp đặt rau, củ quả, tổ chức khu vực phục vụ tết, quà lưu niệm cho khách. Trên vỉa hè đường Hàm Nghi và trước các khách sạn, nhà hàng trên đường Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu sẽ có những gian hàng phục vụ giải khát. Trên làn xe gắn máy ở đường Hàm Nghi, đoạn từ gần bùng Quách Thị Trang đến đường Nam Kỳ Nghĩa sẽ thành phố đi bộ với các nhóm biểu diễn nghệ thuật...

Du lịch, GO! tổng hợp từ The Saigon Times và nhiều nguồn khác

1,5 triệu USD chào năm mới ở tòa nhà cao nhất TP HCM

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Núi Phặt Chỉ - Lạng Sơn

(LSO) - Di tích núi Phặt Chỉ thuộc khu núi phía Nam của Khu du lịch Mẫu Sơn, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình - một địa danh nổi tiếng về khu nghỉ dưỡng, sinh thái và danh lam thắng cảnh của tỉnh Lạng Sơn.

Từ thành phố Lạng Sơn đi theo đường quốc lộ 4B (Lạng Sơn - Lộc Bình) đến Km14, rẽ trái theo đường nhựa lên Khu du lịch Mẫu Sơn. Khi đến Km12 thì rẽ phải theo đường mòn dân sinh đi thôn Khuổi Cấp khoảng 500m rồi rẽ trái vượt lên núi cao theo hướng Tây Nam. Đi trong rừng nguyên sinh, rừng trúc, rừng dong... khoảng 1km là tới núi Phặt Chỉ. Đường đi từ Km12 tới núi Phặt Chỉ khá khó khăn, chỉ có thể đi bộ theo đường mòn.

< Luồn rừng lên đỉnh Phặt Chỉ.

Di tích núi Phặt Chỉ là một trong ba ngọn núi lớn, cao nhất trong số núi đá tự nhiên trong dãy núi đá vôi phía Tây Nam của Khu du lịch Mẫu Sơn. Toàn bộ khu núi Phặt Chỉ và mặt bằng thảm cỏ với tổng diện tích khoảng trên 10 ha. Khu núi này có độ thoải dốc tự nhiên từ phía Bắc xuống phía Nam (khu vực này có ít cây rừng mọc, chỉ có thảm đồng cỏ rộng lớn). Bên cạnh đó là nhiều dãy núi lớn nhỏ xung quanh có độ cao trung bình khoảng ± 1.000m so với mặt nước biển (thấp hơn Khu du lịch Mẫu Sơn khoảng 100m).

< KDL Mẫu Sơn nhìn từ đỉnh Phặt Chỉ.

Đứng trên đỉnh Phặt Chỉ vào những ngày trời quang, trong xanh ta có thể thấy toàn cảnh Khu du lịch Mẫu Sơn hiện ra huyền ảo, quyến rũ với những con đường nhỏ lượn quanh co bên sườn núi; những khu biệt thự mái đỏ nằm rải rác thấp thoáng hiện lên; đặc biệt, ở phía sau lưng núi có con đường quốc lộ rải đá cấp phối lên khu Du lịch Mẫu Sơn hiện ra ngoằn ngoèo kéo dài mãi vào những đám mây, tưởng như đó là đường đến chân trời. Ngay dưới chân núi Phặt Chỉ là những cánh rừng già nguyên sinh với đủ các giống, loài cây quí hiếm, cây bụi, tre, trúc, chè, sở, thông,.. và đặc biệt nơi đây có giống cây hoa quí hiếm là cây Đỗ Quyên nở hoa trắng vào tháng 2, tháng 3 cùng nhiều giống cây thảo dược quí hiếm khác.

< Hoa rừng trên đường đến núi Phặt chỉ.

Nhiệt độ trung bình năm tại đây khoảng từ 15 - 180C. Với khí hậu mát mẻ cộng với không gian thoáng đãng đã tạo cho khu núi Phặt Chỉ trở thành một điểm di tích danh thắng tuyệt vời. Đây là một điểm du lịch khá lí tưởng, đầy hấp dẫn, mới lạ cho những du khách thích tham gia khám phá thiên nhiên hoang dã. Dulichgo

Tuy nhiên, vấn đề được mọi người quan tâm nhất tại khu núi Phặt Chỉ này là tính linh thiêng của các đạo thờ Thần ở nơi này và đã có rất nhiều câu chuyện huyền bí của người Dao ở Mẫu Sơn truyền khẩu, viết sách, chuyển thơ đưa vào các bài cúng trong các buổi lễ dòng họ, tổ tiên.

< Đỉnh Phặt Chỉ với bàn thờ Thượng Đế. Đây là nơi đồng bào các dân tộc, đến cầu nguyện để xin mưa thuận gió hoà mùa màng bội thu.

Ngôi miếu Thổ Công, Thổ Thần của bà con nhân dân thôn Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp và những hiểu biết về sự linh thiêng của Miếu Thổ Thần và Núi Phặt Chỉ của người Dao Lù Gang tại địa phương đã chứng minh rằng, họ rất tôn trọng những tín ngưỡng dân gian này.

Khu Núi Phặt Chỉ nằm ở phía Đông Nam của xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Xung quanh khu vực này là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó người Dao chiếm đông nhất (trên 90%), họ là người dân bản địa, mang đầy đủ nét văn hóa chung của dân tộc Dao nhưng cũng đã hình thành nên những đặc trưng riêng của người Dao Mẫu Sơn.

Trên đường đến núi Phặt Chỉ, chúng ta phải qua miếu Thổ công của người Dao. Cũng như bao nơi thờ tự ngoài trời khác của họ, Miếu không được bố trí ở trong nhà hoặc trong am thờ mà nằm ở phần gốc của cây Chò Chỉ cổ thụ và hai bên là 2 tảng đá to bao bọc tạo một hốc đặc biệt nằm giữa khu rừng nguyên sinh. Những người dân nơi đây cho biết, miếu này đã có từ rất lâu đời, nhân dân quanh vùng thường đến đây thắp hương, cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.

Theo khảo sát, nghiên cứu và qua lời kể của người dân bản địa, chúng tôi thấy rằng: đây là ngôi miếu thờ thần của người Dao (thần rừng, thần núi, thần đất). Trước khi dân làng làm lễ lớn như lễ cầu mùa, lễ cấp sắc, làm nhà mới, cuới hỏi... họ đều đến miếu thắp hương, làm lễ để báo cáo với thần linh và xin phép được tiến hành công việc. Sau khi làm lễ tại miếu Thổ thần (hay còn gọi là đền Trình), người dân tiếp tục đi 500m lên đỉnh núi Phặt Chỉ làm lễ chính. Cũng giống như miếu Thổ Thần, tại nơi thờ tự núi Phặt Chỉ có một ban thờ lớn linh thiêng nhưng cũng chỉ được tạo thành từ những phiến đá to. Tại đây, các vị thần được thờ gồm có chính thần (thần núi, thần rừng…) và tà thần (ma rừng, ma núi...).

Đối với người Dao ở khu vực Mẫu Sơn, núi Phặt Chỉ là một vùng đất linh thiêng. Người dân thường lên đây làm lễ và cầu khấn thần linh. Không biết từ bao giờ, chỉ biết đã qua rất nhiều đời, nhân dân thường lên núi thắp hương cầu mong các Thần phù hộ cho mọi người trong gia đình mạnh khỏe, không ốm đau, làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn. Họ cũng tương truyền rằng: những người thành tâm, cầu khấn sẽ được thần linh trên ngọn núi này phù hộ. Nhưng nếu không thành tâm, xúc phạm đến các vị Thần hay những người có hồn vía yếu, sức khỏe không tốt sẽ bị các Thần phạt. Ở đây, ban đầu chỉ có nhân dân thôn Khuổi Tẳng và Khuổi Cấp hay đến làm lễ, nhưng dần dần người dân xung quanh nơi đây đều đến cúng lễ và coi đây là những vị thần rất quan trọng.

Những già làng quanh vùng cũng nói rằng: “ngọn núi này thiêng lắm”. Xưa kia, nhân dân trong vùng mỗi khi đến đây cầu khấn đều mang theo một viên đá đặt lên đỉnh núi với hàm ý cầu sức khỏe, may mắn.

Chính vì vậy, giờ đây trên núi nơi nhân dân đặt ban thờ đã phủ đầy những phiến đá với nhiều hình thù rất kỳ lạ. Trước đây ngay cả các quan trong vùng cưỡi ngựa đi qua ngọn núi này cũng phải xuống ngựa, thắp hương; sau đó đi bộ qua hết ngọn núi rồi mới lên ngựa đi tiếp. Phải chăng đây là một phong tục đặc biệt của người dân nơi đây?

Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử núi Phặt Chỉ ở Mẫu Sơn thì được biết: ở thôn Pò Quanh, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cũng có một ngọn núi nhỏ mang tên núi Phặt Chỉ và cũng có nhiều câu chuyện truyền miệng xung quanh ngọn núi này về cô gái chết trẻ tại nơi đây, câu chuyện kể lại:

Trước đây có một cô gái trẻ đi qua con đường này, không biết vì lí do gì mà bị chết, biết vậy, mọi người để đó để ngày mai đem chôn, tuy nhiên sớm hôm sau khi mọi người đến thì đã thấy chỗ cô gái nằm đêm qua đã bị mối xông đắp thành quả núi nhỏ.

Thấy linh thiêng, từ đó trở đi mỗi khi người dân đi qua nơi đây cũng đều đặt vào quả núi nhỏ đó một hòn đá, với mong muốn rằng: cầu mong sự bình an, mạnh khỏe, cầu sự tốt lành, may mắn trong làm ăn, được tài, lộc và cũng có ý cầu mong linh hồn cô gái đừng quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Cả hai quả núi này đếu có tên trùng nhau và có hành động đặt đá cùng những câu truyện huyền bí về nó. Tuy nhiên những câu truyện huyền bí về tính linh thiêng của những ngọn núi này đều không có sự liên quan tới nhau vì núi Phặt Chỉ ở trên cao là của người Dao, còn núi Phặt Chỉ dưới thấp là của người Tày, Nùng ở thôn Pò Quanh, xã Đồng Bục.

Đối với người Dao Mẫu Sơn, Phặt Chỉ là một vùng đất thiêng, xung quanh ngọn núi này có rất nhiều những truyền thuyết hư hư thực thực, ví dụ như có truyền thuyết nói rằng: Ngày xưa, ngọn núi này chính là bãi chăn thả ngựa của thiên đình. Bởi vì, trong mây mờ, sương ảo vào buổi sáng sớm họ vẫn thấy có những đàn ngựa từ trên trời hạ xuống núi Phặt Chỉ thong dong gặm cỏ, theo sau là một người cao lớn, lưng đeo túi vải, tay cầm chiếc roi da- đó là người trông coi đàn ngựa của thiên đình. Ông ngồi trên đỉnh núi cao quan sát, trông coi đàn ngựa ăn. Đến chiều chiều, khi đàn ngựa đã no, Ông lùa ngựa theo mây quay trở về thiên đình. Và chính gò đất cao nơi Ông ngồi hàng năm nhân dân người Dao vẫn đến đây thắp hương, cúng tế cầu mong cho trâu bò của họ khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn. Cũng từ đó nếu ai muốn chăn thả gia súc trên bãi cỏ của thiên đình thì phải mang một hòn đá đặt lên gò đất và thắp hương với hàm ý cầu xin các vị thần linh nơi đây cho họ chăn thả trâu bò và trâu bò được mạnh khỏe.

Đến bây giờ, ở khu vực này vẫn giữ được vẻ hoang sơ, tự nhiên như nó vốn có, chưa chịu tác động nhiều của con người. Chỉ sau khi ngọn núi được phát hiện ra, đến khoảng năm 2002, một con đường mòn đi xuyên qua rừng nguyên sinh mới được mở ra và cho đến bây giờ nó cũng là con đường chính  đi đến núi Phặt Chỉ. Tại 2 nơi thờ tự ở khu vực này vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Dao. Ở miếu thờ thần trong rừng cũng chỉ mới có bát hương và trên đỉnh núi Phặt Chỉ ban thờ được tạo thành từ tảng đá to đơn sơ và mộc mạc, phía trên có bát hương để nhân dân và khách du lịch thắp hương thờ cúng, làm lễ.

Hiện nay núi Phặt Chỉ ngày càng khẳng định vị trí và ý nghĩa của nó đối với đời sống con người. Đây không chỉ là một nơi tâm linh với tín ngưỡng “đa thần” của người Dao Mẫu Sơn mà với vị trí, địa thế, cảnh quan môi trường thoáng đãng, những ngọn núi trùng trùng, điệp điệp; một cánh đồng cỏ xanh rì, rộng mênh mông, trải dài đến ngút tầm mắt... nó còn là một địa điểm lí tưởng để khám phá, du lịch, vui chơi.

Với những giá trị đặc sắc như trên, núi Phặt Chỉ đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh vào năm 2012 (Quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 07/12/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn).

Theo Dulichlangson, ảnh từ Duongsinh.net và nhiều nguồn khác.
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS