Cuộc đời là những chuyến đi

RSS

About

Về miệt Cù lao Dài

Nằm trọn trong lòng sông Cổ Chiên, quanh năm được bồi đắp phù sa màu mỡ, Cù lao Dài xanh mướt với những vườn trái cây đặc sản. Không chỉ hoa trái quanh năm, người dân nơi đây còn ước mong “Biến cù lao thành nơi du lịch/Tô điểm rạng ngời cho trang sử Vũng Liêm”.

< Không ảnh cù lao Dài giữa dòng Cổ Chiên.

Thuộc địa phận huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trước đây mảnh đất này có tên là Cù lao Giày do nhìn từ trên cao trông giống hình một chiếc giày. Người miền Tây Nam bộ thường đọc trại những từ có âm “y” thành “i” nên riết rồi Cù lao Giày trở thành Cù lao Dài. Thanh Bình hay Quới Thiện cũng chính là cách người ta gọi mảnh đất này và đó là tên gọi của hai xã thuộc cù lao.

< Xuống phà Vũng Liêm để sang Cù lao.

Ấn tượng đầu tiên với Cù lao Dài là sự tiếp đón nồng hậu của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Điền, nguyên cán bộ văn hóa - xã hội xã Thanh Bình và ông Dương Văn Săng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã ra tận bến phà Vũng Liêm để đón và hướng dẫn cho đoàn du khách chúng tôi trong suốt hành trình.
Dulichgo
Cơn mưa đầu mùa hạ chợt đến không ngăn nổi những bước chân háo hức khám phá thánh địa… của các loại trái cây đặc sản. Tiếp nối những vườn sầu riêng là vườn bưởi da xanh, măng cụt, mận, xoài…

< Khách hăm hở thăm vườn trái cây.

Ông Ba Thới, chủ vườn sầu riêng có 200 gốc, người nông dân đầu tiên đưa cây sầu riêng về với cù lao này, nói rằng “giờ đã vào cuối mùa, sầu riêng được bẻ bán gần hết rồi”, nhưng chúng tôi vẫn thấy trên cây lúc lỉu trái.

< Vườn sầu riêng đã được dày công chăm sóc, trái chín lúc lỉu...

Dọc lối đi là hàng mít trái mọc từ gốc, chỉ cần giơ tay đã có thể chạm vào. Một trái mít nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của cô bạn trong đoàn khi cô vỗ vào vỏ và tiếng nghe bịch bịch cùng mùi hương quyến rũ thoang thoảng. Cô gái kêu lên “chín rồi” và nhanh chóng thu lượm “chiến lợi phẩm”.
Vợ ông Ba Thới vui vẻ phụ giúp xẻ mít và không quên tặng thêm vài trái sầu riêng Ri 6, Chín Hóa chín cây cùng ca chanh muối.

< Vườn bưởi da xanh.

Trước đây, toàn cù lao này chỉ trồng lác làm chiếu, hiện được phủ kín bởi các loại trái cây đặc sản. Riêng xã Thanh Bình có trên 500ha sầu riêng, 400ha bưởi da xanh và hàng chục hecta mỗi loại măng cụt, xoài, mận… Nhờ chịu thương chịu khó, chọn giống tốt, áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác, đời sống người dân nơi đây ngày càng sung túc. Chẳng hạn trường hợp vườn nhà ông Ba Thới, mỗi vụ sầu riêng ông thu khoảng 400 triệu đồng. Thế nhưng, hiện người dân nơi đây lại mong muốn biến cù lao này trở thành một điểm đến du lịch, để cho du khách có cơ hội thưởng thức tận vườn trái cây ngon và trải nghiệm nếp sống văn hóa của người cù lao.

< Du khách hào hứng chụp cảnh làm bánh xèo.
Dulichgo
Từ ngây ngất trong hương vị của các loại trái cây, chúng tôi như “chết lịm” với hàng loạt các món ăn ngon của đầu bếp quán lá Vườn Dừa. Khai vị là món bánh xèo với một loại nhân hoàn toàn mới lạ - nhân hến. Hến ở vùng này mang vị ngọt thanh và có màu rất trắng; quyện với vị béo của nước dừa trong bột bánh, vị bùi bùi chua chua của lá cát lồi, nhẫn nhẫn của lá cách, chua ngọt của nước chấm khiến chúng tôi không thể dứt ra.

< Bánh xèo nhân hến.

Không chỉ vậy, nhóm bạn gái, bạn trai Sài Gòn còn được dì Sáu, chủ chòi lá Vườn Dừa (người thực hiện các món ăn cho đoàn) hướng dẫn để tự tay đổ chiếc bánh xèo. Dẫu còn vụng về, dẫu chiếc bánh chưa được đẹp mắt, còn chút xém đen, vẫn không ngăn được vẻ hân hoan, hứng khởi cho người thực hiện.

< Cá hú sông tươi rói.

Món thứ hai được dọn lên: gỏi gà hấp rượu. Gà quê ngon là một lẽ, món gỏi gà lại được trộn cùng lõi cây chuối non xắt nhỏ, ngọt thanh khiết và giòn tan trong miệng. Chúng tôi tiếp tục thưởng thức món canh chua cá nấu bần có vị chua thanh của quả bần chín đánh bay mùi tanh của cá, quyện thêm vị bùi ngậy của chuối xanh, cho cảm giác khó tả như vừa được giải nhiệt, lại vừa được sưởi ấm...

< Ốc nướng muối tiêu xanh thơm lừng.
Dulichgo
Cũng trong không gian chòi lá này, chúng tôi được thăng hoa cùng các nghệ sĩ nông dân. Anh Út, chị Phượng, chị Nga… là những nông dân chính hiệu, đã nhanh chóng nhập vai ngọt ngào, nỉ non với Tâm sự Huyền Trân, Lan và Điệp, rồi bi thương, sâu lắng với khúc Phụng hoàng hay Vọng kim lang, day dứt tâm sự cô Ba Hiền trong bài tân cổ giao duyên Bông bồn bồn rụng trắng…

Cù lao Dài (tên khác là Phù Thạch hay cù lao Năm Thôn) có chiều dài khoảng 20km, gồm 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện. Cù lao này thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, giáp với tỉnh Bến Tre ở hướng Đông và hướng Bắc, hướng Nam giáp với tỉnh Trà Vinh.

< Thưởng thức món ngon.

Theo lịch sử tỉnh Vĩnh Long, nơi đây là một vùng đất hoang sơ do người dân khai hoang lập ấp trên địa bàn trấn Vĩnh Thanh dưới triều vua Gia Long. Năm 1917 (Đinh Sửu), công thần nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thoại bắt đầu cho di dân đến vùng nầy và lập ra năm làng Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Sau đó, dân đến cư trú đông dần, nhà cửa, đình chùa, cầu lộ được xây lên nhiều; cuộc sống trên cù lao rất thịnh vượng. Ngày nay, trên cù lao còn các di tích như lăng, mộ của nhiều người trong dòng họ ông Nguyễn Văn Thoại và những quan chức thời bấy giờ, trong số này có lăng và mộ cụ bà Nguyễn Thị Tuyết, thân mẫu ông Nguyễn Văn Thoại.

< Những nghệ sĩ nông dân với giọng hát ngọt ngào.

Trước kia, cù lao thường xuyên bị ngập nước nên chỉ thuận tiện trồng lúa nước hay trồng lát. Ngày nay, nhờ có sự đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cù lao Dài trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú của huyện Vũng Liêm với những mặt hàng nông sản như trái cây ngon, cá da trơn, tôm nước ngọt…
Dulichgo
Phần lớn diện tích cù lao đã chuyển sang chuyên canh trồng cây đặc sản như bòn bon, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm...

< Trải qua quá trình lịch sử, cù lao Dài đã chứng minh sức sống của một vùng đất địa linh, nhân kiệt.

Riêng một số ấp ở đuôi cù lao thuộc xã Thanh Bình (như Bình Thủy, Thông Lưu), bà con vẫn còn giữ cây trồng truyền thống là cây lát. Cùng với trồng lát, từ lâu, người dân nơi đây đã biết đến nghề dệt chiếu, se lõi lát. Ở Bình Thuỷ, Thông Lưu, hầu hết các hộ gia đình đều có máy se lõi lát. Ấp Bình Thủy đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống.

Theo Phụ Nữ online, Cồ Việt Mobile
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Đến chợ Bà Rén xem chị em... bồng heo

(CPN) - Tại chợ Bà Rén (ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), với mỗi lần bồng heo thuê để cân, chị em được nhận khoảng 2.000 đồng.

< Ngày nào chợ heo Bà Rén cũng tấp nập kẻ bán, người mua.

Theo một số người cao niên, sở dĩ có cái tên Bà Rén là bởi trước đây ở bên sông của làng có bà tên Rén chèo đò. Khách sang sông hễ cứ đến bến đò gọi tên bà là bà đi sang ngay dù cho trời sáng hay tối, mưa hay nắng.

Hàng chục năm chỉ duy nhất có bà chèo đò qua lại. Sau khi bà mất, người dân vùng này lấy tên bà đặt tên cho làng, nay trở thành thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

< Những chú heo trông khá bắt mắt được nhốt trong các sọt, rọ sẵn sàng cho người mua chọn lựa.

Trước đây, trong chợ Bà Rén cũng có khu hàng dành riêng cho việc mua bán heo nhưng do diện tích hẹp mà người mua bán heo ngày một tăng nên người ta phải chuyển ra phía đất trống gần cầu Bà Rén, tiện lợi vì vừa gần sông vừa gần đường quốc lộ.

< Người mua trực tiếp lựa chọn những chú heo ưng ý.
Dulichgo
Bước chân vào chợ sẽ gặp ngay hình ảnh những chú heo eng éc, ụt ịt đủ các loại. Từ heo con, heo choai đến heo trưởng thành, heo nái,…được nhốt trong các sọt, rọ hay bồng trên tay. Chợ heo ở đây mua bán rất nhanh chóng, người buôn heo mua heo từ những người dân ở các vùng xung quanh đem đến hay của các lái buôn sau đó gom hàng, bán lại cho các lái buôn khác.

Những chú heo trong chợ heo này có khi được chuyền qua tay mấy bà chủ rồi mới được các lái buôn đưa lên xe vào Nam ra Bắc hoặc tỏa lại về các chợ quê khác của xứ Quảng để bán.

Người đến mua heo hay bán heo ở đây cũng có nhiều cách mua bán khác nhau. Có khi chỉ nhìn thoáng qua bầy heo là trả giá, những người lành nghề nhìn qua con heo là đoán ngay trọng lượng mà không cần cân.

< Bồng heo - một nghề mưu sinh độc đáo của phụ nữ vùng lân cận sông Bà Rén.
Dulichgo
Với những chú heo choai hay heo con, để cân heo nhanh chóng nhất, người ta bồng cả người lẫn heo cùng leo lên cân sau đó cân lại trọng lượng người trừ ra là biết ngay trọng lượng của chú heo. Nghề bồng heo thuê tại chợ Bà Rén được xem là một trong những nghề độc đáo nhất ở Việt Nam.

Từng chú heo ngoan ngoãn nằm im lìm trong vòng tay của các chị. Tùy theo trọng lượng, mỗi lần “bồng” một chú heo để chuyển từ giỏ này sang giỏ khác của người mua, người bồng được trả khoảng 2.000 đồng trở lại. Chợ đông đúc không chỉ vì giá cá phải chăng, giống heo tốt mà heo nơi đây khi xuất hàng trông rất sạch sẽ, lông đẹp, không trầy trụa.

< Từ đây, heo được chở đến các phiên chợ trong và ngoài tỉnh.

Tồn tại từ năm 1970, ngày nào chợ Bà Rén cũng tấp nập. Mỗi ngày, cả ngàn con heo được người mua chở đi ra Bắc vào Nam. Giữa cuộc bán mua, những câu chuyện thường ngày, những tâm sự đời thường tại chợ lại mộc mạc, chân chất và đầy nghĩa tình.

Theo Thanh Ly (Chuyện Phụ Nữ)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Bí ẩn ngôi chùa cổ ở Tây Bắc

(PTT) - Ngôi chùa đó ngự ở giữa chốn rừng hoang, núi thẳm. Trải qua bao biến động của lịch sử cùng sự tàn phá của thiên nhiên, chùa Chiền Viện, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vẫn là chốn linh thiêng và hàm chứa bao câu chuyện tưởng như chỉ có trong truyền thuyết.

< Chùa Chiền Viện đã bị đổ nát.

Những người phá hàng cây cổ thụ quanh chùa đều gặp những chuyện chẳng lành, có người chết bất đắc kỳ tử. Ngôi chùa cổ này còn có trên 60 bức tượng được làm bằng đồng đen quý giá.

Lễ tắm tượng

Chiền Viện được coi là ngôi chùa cổ kính nhất đất Tây Bắc. Giữa cái không gian mênh mông tưởng như bất tận của đất Sơn La, chùa Chiền Viện được coi là biểu tượng của sự thịnh trị của xứ Thái xảo xia. Phật giáo đã thấm đẫm tới từng bà con dân bản nơi đây. Chẳng thế mà những gì thuộc về ngôi chùa đều được bà con bảo vệ và giữ như vật thiêng trong gia đình. Trải qua bao thăng trầm, đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa cổ này cũng không tránh khỏi sự phá hoại của binh lửa điêu tàn.

Nhớ về một thời thịnh vượng và thanh bình đã từng tồn tại ở đất này, cụ Sa Thị Lan, người dân bản Vặt vẫn không giấu nổi niềm hãnh diện, cụ bảo: “Sư sãi trong chùa đều là những bậc nam nhi có võ công thượng thừa. Họ trừ gian, diệt ác, chế quỷ, giúp dân yên tâm sinh sống. Họ cũng là những người sở hữu các bài thuốc, mẹo chữa bệnh hiếm có người nào bì được. Họ đi đến đâu là dân được sống yên ổn ở đó”.

Hình ảnh ngôi chùa thiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con người Thái. Ngày đó đất xung quanh chùa cây cối bạt ngàn. Những thân cây to hàng chục người ôm dựng lên như những bức tường thành vững chãi. “Tôi còn nhớ rõ, mỗi năm các nhà sư dùng ống tre lấy nước trên thượng nguồn. Thứ nước suối từ rừng nguyên sinh, không lẫn tạp chất, nơi mà con người ít khi đặt chân tới để về tắm tượng”, cụ Lan vẫn rưng rưng một niềm xúc động khi nhắc về ngôi chùa thiêng của bản mình.

Giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, hoài niệm về những ngày tháng vui đêm cùng núi rừng dường như vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí của cụ Lan.

Cụ Lan kể: “Nước vác về được đổ vào trong một cái ang to. Thứ nước suối nguồn trong vắt có thể nhìn thấy tận đáy của ang. Ngày đó rừng nghiến, đặc biệt là loài cây gù hương còn nhiều nên khi nước nguồn chảy ra, nước suối nơi đây cũng có mùi thơm thoang thoảng hương rừng. Buổi tắm tượng diễn ra vô cùng linh thiêng. Các nhà sư dựng cái sạp lứa. Phía trên trải vải điều vuông vức. Từng bức tượng được mang ra theo thứ tự từ cao tới thấp.

Có những bức tượng to, 40 trai bản dùng đòn tre đực dài 4m kết lại với nhau thành một cái cáng mới khiêng nổi. Những bức tượng này được làm bằng đồng đen nên rất nặng. Trước lúc khiêng tượng, các nhà sư phải làm lễ xin phép các ngài.

Lễ tắm tượng thường diễn ra vào mùa Thu. Khi đó đất Tây Bắc đã ngớt mưa, khí hậu khô ráo, bầu trời trong xanh và sâu thăm thẳm, giữa sân chùa lễ tắm tượng diễn ra vô cùng uy nghi và linh thiêng. Sư trụ trì cầm gáo tre, khoác áo cà sa màu vàng, tay trái lần tràng hạt, tay phải dùng gáo tre múc nước trong ang được thả đầy hoa rừng ra tắm tượng. Mấy chú tiểu giúp việc đi chân đất, thành kính dùng vải điều thấm khô từng bức tượng rồi mới chuyển vào bệ tượng.

Buổi lễ diễn ra vô cùng uy nghiêm, bà con dân bản phải đứng từ xa để chiêm ngưỡng. Hơn 60 bức tượng được các trai bản mang ra lần lượt. Sư trụ trì chùa làm việc từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời khuất dần sau đỉnh núi Pha Đạnh (núi đá đỏ) mới kết thúc”.

Nghi lễ linh thiêng đó đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con người Thái nơi đây. Bà con rất sùng Phật. Ai cũng một lòng làm việc thiện, họ cùng nhau dựng xây đất Mường Sang thành một xứ sở thanh bình. Đây cũng là lý do giải thích vì sao, tất cả những tài sản quý giá liên quan đến ngôi chùa đều được bà con gìn giữ bảo vệ. Trải qua 7 thế kỷ tồn tại, chùa Chiền Viện vẫn hiện lên uy nghi giữa đất trời Tây Bắc. Thế rồi khi chiến tranh nổ ra, vẻ đẹp trường tồn của một ngôi chùa dần bị hủy hoại. Những vật báu trong chùa tản mát, kéo theo đó là bao chuyện buồn xảy ra ở đất Mường Sang này.

Lấy vật gì thì phải trả lại vật đó

Sau bao năm đất Tây Bắc nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, bà con xứ Thái cũng trải qua trăm đắng, ngàn cay. Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Nhật đảo chính Pháp, loạn lạc, lửa cháy đã lan tới Mường Sang. Bà con người Thái tản mát, ruộng đồng tốt tươi một thuở để cho cỏ mọc. Những ngôi nhà sàn bề thế, rộng rãi uy nghi bỗng trở nên hoang lạnh. Ngôi chùa cổ bị xuống cấp, kẻ gian được dịp lộng hành, chúng nhảy vào chùa lấy tượng mang bán. Những bức tượng tưởng như bất khả xâm phạm bị mất dần, mất mòn. Binh lửa, loạn lạc qua đi, bà con người Thái trở lại quê hương, chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát khiến ai cũng nhói lòng. Ngôi chùa linh thiêng đã bị phá hoại, tường đổ, rêu phong phủ đầy.

Từ đó giá trị đạo đức dần bị xuống cấp, sự tham lam được phen trỗi dậy, lòng người thay đổi. Khu đất thiêng của chùa bắt đầu bị xâm phạm, nhiều người đã trà đạp lên những giá trị đạo đức mà suốt 7 thế kỷ trôi qua đã được các vị sư và bà con dân bản dày công vun đắp. Đồ của chùa bị người dân mang về sử dụng làm của riêng.

Giờ đây người dân nơi đây không được chứng kiến lễ tắm tượng linh thiêng năm nào nữa, nhưng có một chuyện mà nhiều người không thể tin nổi khi các cán bộ vào chùa chuyển tượng về bảo tàng. Ông Hà Trung Lâm - người dân ở bản Vặt vẫn còn nhớ như in về buổi chuyển tượng diễn ra cách đây 20 năm. Ông Lâm kể, vì chùa liên tục bị mất trộm, tượng quý, chuông vàng bị lấy đi. Bà con báo việc này lên huyện. Ngay sau đó, các cán bộ cho ôtô xuống chở tượng đi.

Chiếc ôtô tải đi vào tận sân chùa, họ khiêng tượng nhưng không thể nào nhấc nổi, rồi họ kết hợp cả máy móc nữa, chẳng hiểu sao các bức tượng không suy chuyển, phải hô hào nhiều người xúm lại mới đưa được tượng lên ôtô. Khi xếp được 5 bức tượng lên thùng xe, tự nhiên xe ôtô bị xịt lốp. Phải cho người đi gọi thợ vá lốp, vá xong lốp thì không thể nổ máy. Cánh tài xế có kinh nghiệm chạy đường trường hiểu xe như lòng bàn tay cũng đành bó tay.

Chứng kiến câu chuyện rất thần bí này, các cụ trong bản Vặt mới nhớ lại lễ tắm tượng của các sư trụ trì khi xưa, trước khi muốn rời tượng khỏi chùa phải làm lễ xin các ngài, mới hy vọng chuyển tượng đi được. Buổi lễ diễn ra nhanh chóng, thay vì đưa các ngài lên ôtô chuyển đi, mấy chục thanh niên của bản Vặt phải làm cáng như trước, khiêng các bức tượng đó vượt 4km đưa ra Bảo tàng huyện Mộc Châu. Sau đó những bức tượng này được chuyển lên Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Nói về những bức tượng đồng đen này, hôm rồi đoàn cán bộ của xã Mường Sang lên tỉnh họp. Ông Hà Trung Lâm, Chủ tịch HĐND xã đã mạnh dạn kéo đoàn đến bảo tàng tỉnh đề đạt nguyện vọng được ngắm những bức tượng từng được trưng bày tại chùa Chiền Viện. Đoàn thuyết phục mãi, bảo tàng cũng chỉ đồng ý cho ông Lâm và 3 người khác ở bản Vặt được vào chiêm ngưỡng. Trải qua bao thăng trầm, bao thế hệ đời người ở bản Vặt đã qua đi, vậy mà những bức tượng vô giá của chùa Chiền Viện vẫn uy nghi và vững chãi như dãy núi Pha Đạnh đã tồn tại từ ngàn đời nay.

Chẳng hiểu sao, ông Lâm lại có hành động liều lĩnh là dùng ngón tay gõ vào thân tượng để kiểm tra xem đây có phải là tượng thật hay không. Dù vô tình hay hữu ý, ông Lâm cũng không nghĩ là ngay trong ngày hôm đó ông gặp chuyện chẳng lành. Trên đường trở về bản, ông đã bị tai nạn xe máy. Rất may vụ tai nạn đó chỉ làm ông xây xát phần mềm, tựa như một lời cảnh báo nhẹ nhàng đến với ông. Từ đó mỗi khi lên tỉnh họp, ông Lâm cũng không dám đến xem tượng nữa.

Giờ đây chùa Chiền Viện bị đổ nát, mái nhà bị sập. Bức tường được xây bằng hàng vạn hòn đá mài tưởng như mưa nắng khó bề xâm thực, nay nằm trơ ngan cùng tuế nguyệt. Khi bức tường cuối cùng của chùa bị đổ, người dân nơi đây đã lấy những hòn đá mài này về dùng. Loại đá mài này rất quý, dao, kéo, cuốc… bị cùn chỉ cần liếc đi, liếc lại vài lần là sắc lẹm trở lại. Đá quý là vậy, nhưng những người dám mang đá xây chùa về nhà đều gặp những chuyện chẳng lành.

Không ai bảo ai, họ cứ lần lượt mang đá trả lại chùa. Ông Sa Trọng, Trưởng bản Vặt xác nhận: Đến giờ không ai dám động đến bất kỳ thứ gì ở chùa nữa. Chỉ tiếc rằng, bao đồ chân quý năm xưa của chùa cứ mất dần. Giờ đây, bà con chỉ giữ lại được 7 cái bát cổ, thứ quý giá duy nhất còn sót lại.

Mất mạng vì động vào tấm bia thiêng

Đến giờ người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in tấm bia cổ của chùa khắc trên nền đá xanh, ghi lại lịch sử của chùa và sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm tu bổ chùa. Tấm bia bị vứt chỏng chơ ngoài vườn nên cụ Hà Văn Uộn ở bản Vặt nhà ở gần chùa đã nhặt về làm miếng lót chân cầu thang nhà sàn. Tấm bia vuông vức đặt rất vừa chân. Mùa mưa bước vào không bị trơn, mùa hè bước lên tấm bia đá thì mát lạnh. Ai cũng nghĩ ông Uộn may mắn vì “kiếm” được tấm bia đẹp đẽ đó.

Ít người biết rằng, từ ngày mang tấm bia thiêng của chùa về ông Uộn gặp biết bao nhiêu là chuyện tai ương. Ngay bản thân ông Uộn cũng không lý giải nổi ma xui quỷ khiến thế nào mà ông dám trà đạp lên những giá trị đã được bao đời dày công vun đắp. Đầu tiên là lợn, gà nhà ông Uộn nuôi thường xuyên mắc bệnh và không lớn được. Trong khi đó ở cách chùa khoảng trăm mét, đàn lợn, đàn gà của bà con nuôi lớn nhanh như thổi. Lạ hơn nữa là “nà” (ruộng) của ông Uộn mọi năm lúa tốt bời bời. Từ khi ông mang tấm bia về lót chân cầu thang nhà sàn, lúa chẳng lên được. Cũng trên thửa ruộng đó, cũng cách chăm sóc giống nhau mà lúa của bà con lên tươi tốt.
Dulichgo
Quá sợ trước những sự việc diễn ra cùng một lúc và có hệ thống, ông Uộn mới giật mình khi nhìn lại tấm bia của nhà chùa kê trước nhà. Sau nhiều lần đắn đo, ông Uộn quyết định mang trả lại tấm bia của nhà chùa. Ông Uộn vừa đưa tấm bia lên xe chở trả chùa thì gặp đứa cháu tên là Hà Văn Cấp. Anh Cấp ngỏ ý muốn giữ lại tấm bia đó cho người bạn làm nghề ba toa ở ngoài xã. Sau mấy ngày hẹn hò, người bạn của anh Cấp là Khánh dẫn theo một người nữa tên là Thâu về xóm mua lợn. Đợi mua xong lợn, họ sẽ chuyển cả tấm bia kia ra ngoài.

Chuyện chỉ có vậy, không ngờ tấm bia thiêng đó một lần nữa khiến bà con người Thái nơi đây phải giật mình vì chuyện xảy ra ngay buổi chiều nhập nhoạng hôm đó. Vợ chồng anh Cấp dẫn Khánh và Thâu đi vào xóm bắt lợn, lúc này sương đã giăng khắp lối khiến con người ta dễ nảy sinh tâm trạng mơ hồ. Chị Vui vợ anh Cấp đi trước, Khánh, Thâu và anh Cấp đi sau cùng. Dọc đường chẳng hiểu sao, anh Cấp đổ cho Khánh và Thâu lợi dụng đêm tối “tòm tem” vợ của mình. Cuộc cãi vã diễn ra khi 4 con người đi qua cửa chùa Chiền Viện.

Anh Cấp nhảy xổ lên bóp cổ Khánh. Hai người đàn ông vật lộn, cãi nhau ỏm tỏi. Thâu đi phía sau liên lao can ngăn hai người đàn ông đang ghì nhau dưới tán cây cổ thụ. Can ngăn không được, sợ anh Cấp đánh người bạn của mình, Thâu đã dùng đèn pin khảo vào gáy anh Cấp. Thâu cũng không ngờ cú đập đèn pin định mệnh đó đã cướp đi mạng sống của anh Cấp. Chuyện xảy ra quá nhanh khiến bà con trong bản chạy ra can ngăn cũng không kịp. Anh Cấp mất mạng, trong khi Khánh và Thâu rơi vào vòng lao lý. Chị Vui trở thành góa phụ.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự việc trên do Khánh muốn lấy tấm bia của chùa đi nơi khác. Việc này có đúng như thế hay không đến giờ chưa ai dám khẳng định. Tuy nhiên, từ khi án mạng xảy ra trước chùa thì không ai dám mang tấm bia này ra khỏi chùa nữa. Tấm bia uy nghiêm, được khắc chữ Hán rất rõ nét được bà con làm lễ và đưa lại vào chùa.

Lại nói đến chuyện ông Uộn, sau bao đời sinh sống an lành ở bản Vặt, tự nhiên, ông thấy trong người khó ở, làm ăn không vào. Ông đã bán đất mảnh đất cho anh Hà Văn Ngọc (con ông Hà Văn Khoát) để chuyển đi nơi khác. Chị Vui vợ của ông Cấp cũng không ở trong bản Vặt nữa. Theo cái lệ đã hình thành từ xưa, người Thái rất ít khi di chuyển nhà khỏi nơi chôn rau cắt rốn, phải vì chuyện gì tày đình lắm, họ mới chuyển chỗ ở.

Mong một ngày phục dựng lại ngôi chùa

Đưa chúng tôi đi thăm ngôi chùa cổ, ông Sa Trọng, Trưởng bản Vặt như cảm thấy muôn phần có lỗi vì năm xưa các cụ người Thái nơi đây không tìm cách ngăn chặn sự xâm lấn của những kẻ xấu vào tàn phá chùa. Ngay bản thân người dân địa phương cũng không ngần ngại phá đi những gì thuộc là quý giá nhất của ngôi chùa. Đi đến một gò đất gần chùa, ông Trọng bỗng dừng lại. Chỉ tay vào nấm đất, ông Trọng bảo, đây là ngôi mộ của nhà sư ở nơi khác đến chùa.

Ông này bị hổ vồ và lôi đi mất một phần thân thể. Bà con phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Một phần thi thể của ông đã được bà con chôn cạnh dãy xoài cổ thụ. Năm xưa, xung quanh chùa là những cây cổ thụ to bằng cả gian nhà che chắn. Dãy xoài hơn chục cây tựa như những cột chống trời. Mỗi cây cho cả tấn quả. Bà con trong bản ăn thỏa thê không hết còn mang đi cho bản khác. Vậy mà giờ đây, hàng xoài cổ thụ đó chỉ còn trơ trọi những gốc đen sì. Nó tựa như những dấu chấm than giữa trời.
Dulichgo
Ông Trọng còn kể, phía sau chùa là cây vải cổ thụ. Hơn một trăm hộ dân ăn thỏa thích cũng không hết, giống vải quả to, mọng nước lại có màu đỏ ối. Các bản khác cũng được thơm lây từ cây vải quý này. Thế rồi nhiều người cả gan chặt cả cành vải đi để lấy đất làm nương, làm rẫy. Ông Hà Văn Sọm - hộ dân ở gần chùa đã liều lĩnh chặt cành vải to và bị ngay quả báo. Từ hôm chặt cành vải, ông Sọm liên tục gặp chuyện chẳng lành.

Sau đó ít lâu người con trai của ông bị chết không rõ nguyên nhân. Tuy ngôi chùa đã bị hoang phế nhưng không hiểu sao những hộ dân liều lĩnh xây nhà gần chùa đều ở chẳng yên. Đến giờ ba gia đình đã phải chuyển nhà đi nơi khác ở. Đất xung quanh chùa đang dần được trả lại. Sau bao chuyện xảy ra, nên các hộ dân nơi đây đã chùn tay trước những việc mà nhiều người đã đánh liều làm là xâm phạm đến chùa.

Bao thăng trầm của lịch sử đã trôi qua, ngôi chùa cổ giờ chỉ còn lại cái nền gạch khi xưa. Bà con người Thái ở bản Vặt đã quyên góp tiền dựng tạm cái mái lợp để dựng tượng thờ Phật. Ước mong của bà con là một ngày nào đó, ngôi chùa sẽ được phục dựng lại. “Các tăng ni, Phật tử ở khắp nơi về bản Vặt cầu an cũng sẵn lòng quyên góp xây chùa. Giờ chúng tôi chỉ mong, các cấp chính quyền địa phương cùng phối hợp thực hiện, tôi tin ngôi chùa cổ năm nào sẽ sớm được phục dựng”, ông Sa Trọng, Trưởng bản Vặt cho biết.

Chùa Chiền Viện, còn gọi là chùa Vát Hồng, nay thuộc bản Vặt, xã Mường Sang. Chùa được tạo lập từ thế kỷ XIII, do đồng bào Thái Mộc Châu xây dựng. “Bản Vặt” - theo tiếng Thái chính là âm chệch của “Phật” và tên hội chùa lễ Phật vào tháng 5 âm lịch ở đây là “Chách Vặt, Chách Và”.

Vào thế kỷ XIII, chùa Chiền Viện là một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây Bắc, với số tượng Phật được thờ trong chùa là: 1 pho tượng lớn, 8 pho vừa, 56 pho nhỏ đều bằng đồng, 2 pho bằng thiếc, 1 pho nhỏ bằng ngà.

Nhưng di tích chùa Chiền Viện đó bị đổ nát từ năm 1947, còn đến ngày nay, lại chỉ là một nền chùa khoảng 100m2, mấy trụ cột và mảng tường xây bằng đá với những vòm cửa đã xuống cấp, đổ nát và 2 bệ thờ. Đặc biệt là còn một tấm bia đá (99cm x 64cm x 15cm), một nửa khắc chữ Thái (mà theo giáo sư dân tộc học Hoàng Lương thì đây là chữ "Thái trắng" ở vùng này) và một nửa khắc chữ Hán. Nội dung văn bia, cả hai ngữ đều thống nhất nói về việc xây dựng "vắt ni" (chùa này - tiếng Thái), với những người đóng góp tính bằng "công" và "hào" (tiếng Thái), trong đó có một số chức sắc (tên là "Tạo Tiêng", "Chiêu Tổn" - tiếng Thái).

Phần Hán ngữ của bia (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chiếm) nói rõ: đây vốn là ngôi chùa cổ thờ Phật, đã bị huỷ hoại. Ngày 10 tháng 3 năm Duy Tân thứ XI (Mậu Thân, 1908) khởi công xây dựng lại, và đến ngày lành, tháng giêng năm Kỷ Dậu, 1909 thì hoàn thành. Ông Xa Văn Kỳ, tri châu, cùng nhân dân trong vùng Mộc Châu, hưng công xây dựng. Đóng góp vào việc xây dựng là rất nhiều người địa phương và cả từ phương xa, trong đó có "Đà Bắc tri châu Đinh Công Nội", "Đà Bắc tri châu Xa Văn Nghĩa", "Mai Châu tri châu Hà Công Chính"… Hãy một lần đền với nơi đây, để cảm nhận sự thanh tịnh, thiêng liêng của một di tích cổ xưa.

Theo Linh Nhi (Báo Petrotimes)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Nghỉ dưỡng giá mềm ở Phú Quốc

Phú Quốc (Kiên Giang) đang dần trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế. Mùa hè, dịch vụ lưu trú, đi lại trên đảo càng đắt đỏ. Dù vậy, du khách vẫn có thể tự tổ chức cho gia đình, bạn bè một chuyến nghỉ dưỡng tại đảo ngọc với chi phí vừa phải lại có cơ hội trải nghiệm được cuộc sống của một cư dân thực sự trên đảo.

Hòn đảo xinh đẹp này ngày càng quyến rũ và hiện nay trở thành “điểm nóng” du lịch trong nước và khu vực. Ở đó không chỉ có biển xanh, cát trắng mà còn có bầu không khí trong lành, đầy nắng gió vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, bởi dù phát triển cỡ nào Phú Quốc vẫn giữ được độ phủ của cây rừng tự nhiên đến 65%. Cụm 22 hòn đảo này còn được bảo tồn nghiêm ngặt rạn san hô và thảm cỏ biển. Cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Kiên Giang, cụm đảo Phú Quốc được công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Đặc biệt hơn, Phú Quốc còn có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất, sở hữu nhiều loài động, thực vật quý hiếm, loài đặc hữu riêng có. Trải qua quá trình hình thành và phát triển suốt hàng trăm năm nay, cư dân trên đảo cũng hình thành một nền văn hóa độc đáo của cộng đồng người Hoa theo chân Mạc Cửu đến vịnh Thái Lan ngày nay để khai phá và người Việt khắp mọi miền đến đây lập nghiệp. Và bây giờ, khi du lịch phát triển mạnh mẽ, nền văn hóa đặc trưng đó chẳng những hấp dẫn khách du lịch và còn thêm phần đa dạng bởi sự du nhập nhiều nền văn hóa của du khách, nhà đầu tư mang đến. Bởi thế, du lịch Phú Quốc không chỉ là du lịch sinh thái biển mà còn có du lịch văn hóa, ẩm thực đa dạng, hấp dẫn.

Để có một chuyến đi thật sự ấm cúng đến Phú Quốc, gắn kết các thành viên trong gia đình hay một nhóm bạn thân, du khách hoàn toàn có thể tự tổ chức tour riêng cho mình và trải nghiệm đời sống trên đảo trong thời gian nghỉ dưỡng.
Dulichgo
Vấn đề đầu tiên du khách quan tâm là chỗ ở. Sở hữu một chỗ ở có bãi biển trong kỳ nghỉ, thường hai người tốn ít nhất 2 triệu đồng/đêm, nếu chọn ở bungalow hay phòng nghỉ trong các resort cao cấp. Trong khi đó, với chi phí thấp hơn nhiều lần mà vẫn ở gần bãi biển, du khách có thể chọn homestay – dạng nhà ở cho du khách gắn với gia đình của người dân bản địa. Loại hình này hiện đang hình thành và phát triển tại Phú Quốc. Người dân dành một phần đất trống xung quanh nhà hoặc cải tạo không gian thừa trong nhà để phục vụ du khách.

Tại Bãi Thơm, Cửa Lấp và thị trấn Dương Đông có dịch vụ homestay riêng biệt. Họ xây dựng hẳn những căn hộ riêng cho thuê với giá bình quân chia theo đầu người khoảng 120.000-150.000 đồng/đêm, trong khi nhà nghỉ bình dân nhất ở Phú Quốc hiện nay có giá khoảng 450.000 đồng/phòng 2 người, khách sạn giá thấp nhất cũng phải 800.000 đồng/phòng. Các homestay luôn cách biển một vài trăm mét, nằm trong những khu vườn yên tĩnh, tạo cho du khách cảm giác gần gũi như đang ở ngay chính căn nhà của mình. Riêng homestay ở làng chài Xóm Mới ngay thị trấn Dương Đông được cất sát biển. Phòng khách, sân nướng ngoài trời hướng ra biển và cũng là nơi tuyệt vời để ngắm mặt trời lặn.

Đến Phú Quốc, du khách không phải lo lắng về chuyện ăn uống. Nguồn hải sản và rau xanh ở đây rất phong phú. Tàu, phà ra vào đất liền hàng chục chuyến mỗi ngày nên không hề khan hiếm. Với khoảng 120.000-150.000 đồng/người, du khách có thể đặt bàn cho bữa ăn chính tại các nhà hàng, quán ăn trên đảo. Nếu “đi chợ” gọi 5-6 món cho bàn 8-10 người ăn, mỗi suất ăn giảm còn khoảng 80.000-100.000 đồng.
Dulichgo
Tại các homestay, chủ nhà nhận đi chợ và nấu ăn cho khách trọ. Họ đi chợ và báo lại giá, mức bồi dưỡng công nấu tùy hỷ. Với 3-4 món ăn và rau xanh, mỗi du khách chỉ mất khoảng 70.000-80.000 đồng, nếu ăn thêm ghẹ hoặc tôm, giá tăng thêm 20.000-30.000 đồng/suất ăn. Ngoài ra, du khách có thể ăn tối ở chợ đêm với giá cả phải chăng. Ẩm thực chợ đêm rất phong phú và hấp dẫn. Đi theo nhóm, mỗi người tốn khoảng 100.000 đồng là đủ no, bao gồm tiền bia bình quân mỗi người một chai.

Phương tiện đi lại trên đảo khá phong phú. Du khách đi theo nhóm có thể thuê ô tô và tài xế hoặc thuê ô tô tự lái. Đi dạng gia đình, có người già và trẻ em, tốt nhất nên thuê ô tô cho suốt hành trình 3 ngày 2 đêm trên đảo, bao gồm đưa đón sân bay hoặc bến tàu với giá khoảng 5-5,5 triệu đồng. Tại các khách sạn, nhà nghỉ đều có xe máy cho thuê, giá khoảng 150.000 đồng/xe/ngày đêm, không bao gồm xăng. Nếu di chuyển từ xa đến Kiên Giang, du khách có thể mang theo ô tô ra đảo bằng cách đi phà tại Hà Tiên. Dịch vụ tàu cao tốc, phà cao tốc ra đảo đều phải đặt trước để chủ động cho chuyến đi.

Chỉ với những chuẩn bị cơ bản như vậy, gia đình, nhóm bạn bè thân có được kỳ nghỉ đầm ấm tại đảo ngọc Phú Quốc với giá 2-2,5 triệu đồng/người trong thời gian 3 ngày, 2 đêm.

Theo Thụy Du (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Gỏi lá rừng, muối kiến Gia Lai

(ANTĐ) - Tây Nguyên với rừng xanh ngút ngàn để khi dừng chân lại đất Gia Lai, tôi đã được thưởng thức món ăn của rừng: Gỏi lá rừng và muối kiến Krông Pa.

Trên con phố núi giữa thành phố Pleiku, quán duy nhất tên một chữ “Lá” và món ăn đầu bảng cũng chính là gỏi lá được chế biến từ 50 loại lá cây khác nhau hái ở rừng.

Trong đó có cả những thứ lá quen thuộc như lộc vừng, bằng lăng, cúc tần, kinh giới… Mỗi loại có một vị riêng, lộc vừng non có vị chát, tần hơi đắng có tinh dầu, kinh giới thơm, những thứ lá khác có vị chua, ngọt, thậm chí có loại vị hơi mặn.

Người ta khẽ cuốn nhẹ những chiếc lá thành hình chiếc phễu. Gắp thêm miếng xoài xanh cắt nhỏ, lát ớt, tép tỏi rồi gắp miếng thịt lợn ba chỉ thái nhỏ, cùng con tép nhỏ. Khi tất cả đã đủ mới dùng chiếc thìa nhỏ múc thứ nước xốt sền sệt vào rồi thêm hạt tiêu tươi. Thứ nước xốt đó được chế biến từ lòng cá, trứng cá xay nhuyễn, rồi chưng lên với gia vị, mắm muối. Đây là thứ quyết định để dẫn tất cả các loại lá rừng kia thành một món ăn “Gỏi lá rừng”.

Trước kia, gỏi lá rừng có nguyên gốc ở Kon Tum và khi di cư về Gia Lai được đón nhận một cách nhiệt tình. Mâm lá đầy ắp cũng không kịp đếm cho đủ 50 loại hay không, có lẽ cũng hơn 30 loại và mỗi phễu lá cũng chỉ có thể xếp được mươi loại lá mà thôi. Một lần thưởng thức gỏi lá rừng để cảm nhận hương vị Tây Nguyên xanh.
Dulichgo
Sau khi thưởng thức gỏi lá rừng ở giữa Pleiku, tôi xuôi xe máy theo Quốc lộ 14 rồi vào Quốc lộ  7. Khi đến thị trấn Krông Pa, một quán nhậu có tên “Lộc Vừng” và cũng là quán ăn duy nhất trên con đường đi qua thị trấn.

Bước chân vào nơi này mới thấy có đến hàng chục cây lộc vừng cảnh với các thế uốn lượn vô cùng đẹp. Ngất ngây ngắm nghía những dáng lộc vừng để rồi khi đĩa thịt bò một nắng được bưng lên kèm theo một đĩa gia vị nhỏ có màu đỏ và mùi thơm rất lạ.

Hỏi ra mới biết đó là muối kiến. Giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ có một loài kiến vàng cao chân, với 6 chiếc chân cao cùng cặp râu vểnh luôn lia đi các hướng. Nghe nói, đây chính là loài kiến có nọc khi chích vào cây gió bầu sẽ khiến cho gió bầu sinh ra trầm hương.

Chẳng rõ có đúng hay không, nhưng người dân Tây Nguyên vào rừng nếu gặp tổ kiến này sẽ lấy cả tổ xuống, bắt cả kiến to lẫn trứng kiến. Họ rang chúng với muối hạt và ớt rừng. Khi muối đã khô nỏ, kiến đã chín thơm, họ đổ vào cối giã. Muối rang bị giã thành muối bột, kiến rang giã nhỏ, những bọng kiến vỡ ra trộn với muối và ớt quánh lại thành từng hạt nhỏ. Những bọng kiến không vỡ vẫn nằm nguyên tròn vo.
Dulichgo
Thịt bò còn hơi tái được nọc kiến và ớt cay làm cho chín thêm ở trong miệng. Những bọng kiến còn nguyên bị cắn vỡ trong miệng, tê tê cay cay và thơm lừng. Bò một nắng chấm với muối kiến - một món ăn cực kỳ lạ và cực kỳ thú vị.

Cho dù muối kiến cay đến xé lưỡi nhưng vị ngọt của thịt bò lại làm dịu đi và vị thơm tê của bọng kiến khiến cho đĩa thịt bò vơi đi quá nhanh sau từng ngụm bia lạnh. Chỉ vậy thôi, nhấm nhấp thịt bò chấm muối kiến với bia lạnh giữa cái nắng cái gió Tây Nguyên thì chỉ có những bước chân xê dịch mới được thưởng thức.

Theo Lê Hồng Quang (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Cuối tuần thú vị ở Hải Tiến

(TTO) - Không đông đúc và quá xô bồ như Sầm Sơn, thời gian gần đây Hải Tiến (Thanh Hóa) được nhiều hội, nhóm, công ty, gia đình ở miền Bắc và Bắc Trung bộ lựa chọn cho một kỳ nghỉ cuối tuần thú vị.

Từ Hà Nội, Hải Tiến là điểm đến khá mới mẻ cho mùa hè nóng bức, phù hợp với các hội nhóm và gia đình với chi phí hợp lý.

1. Nằm cách Hà Nội hơn 170km, biển Hải Tiến thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa trải dài qua bốn xã Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh và Hoằng Trường. Bãi biển ở đây còn khá hoang sơ và các dịch vụ du lịch vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

< Thuyền về Hải Tiến hôm nay đó.

Không sở hữu một bãi biển tuyệt đẹp kiểu cát trắng phau phau, trời xanh, nước xanh, mây trắng, nắng sóng sánh vàng như mật ngọt, nhưng điểm đến mới mẻ, hấp dẫn du khách bởi vẻ yên bình, hoang sơ và sự ấm áp, chân chất, mộc mạc của dân miền biển.

Với những người đang chập chững bước chân vào con đường kinh doanh du lịch cùng nhiều bỡ ngỡ và vụng về, Hải Tiến mang đến một cái nhìn khác hẳn với Sầm Sơn nổi tiếng một thời về “chặt chém”, phần nào lấy lại uy tín cho biển Thanh Hóa thời gian gần đây.

< Một góc chợ hải sản sớm ngay trên bờ biển Hải Tiến.

Dọc theo bờ biển là những hàng phi lao rì rào đón gió, dưới chân là cát biển, cá, nước có thể không trong và thậm chí đục ngầu khi có bão, tuy vậy bãi biển dài, thoai thoải và khá nhẹ nhàng cho bạn nhiều cơ hội tắm táp riêng tư mà vẫn an toàn.

Khi triều dâng nước biển lên khá sâu giáp tận rừng phi lao, nhưng buổi sáng khi triều rút để lại một bãi cát thênh thang rộng lớn. Thuyền ra khơi về neo đậu dọc biển, sáng bà con đi chợ, chiều gỡ lưới, nửa đêm lại ra khơi.

< Cô bé giúp mẹ phân loại hải sản.

2. Khám phá cuộc sống của người dân ven biển Hải Tiến là một điểm cộng cho hành trình. Từ 5g sáng, những chiếc thuyền nhỏ ra khơi đánh bắt gần bờ đã trở về mang theo rất nhiều tôm, cá, hải sản.
Dulichgo
Họ phân loại và bán cho du khách ngay trên bãi biển, tươi rói, mỗi người một chút làm quà. Có kèm dịch vụ sơ chế như hấp, nướng, đóng thùng đá để đáp ứng nhu cầu chở đi xa của du khách.

< Khách du lịch sơ chế hải sản trước khi mang về.

Nhiều gia đình đến nghỉ dưỡng ở Hải Tiến có thể mua hải sản về nấu ăn ngay tại khách sạn. Ai có người có nhu cầu thưởng thức hải sản ngay trên bãi, bà con cũng đáp ứng luôn.

“Phiên chợ” sớm mai cuối tuần ở Hải Tiến khá nhộn nhịp, đủ để níu chân một vị khách lữ hành tò mò đưa chuyện. Dăm chiếc xe đẩy bán hàng rong với đồ khô, nào cá mực, cá bò, nào nem chua Thanh Hóa. Một chiếc xe hàng khá lớn với ba chiếc bếp ga công nghiệp và ba nồi nước đang sôi ùng ục.

< Người đàn ông chăm chú với công việc sơ chế.

Hầu hết ai mua hải sản muốn đóng gói mang đi đều tới đây để nhờ rửa sạch, đem hấp sơ rồi mới đóng túi, 20.000 đồng/ký.

Tôm to, tôm nhỏ hàng cân, túi lớn, túi bé hấp xong đỏ au au, ngon lành, hấp dẫn. Mực mai dày mình và tròn quay tươi rói, trắng xanh 160.000 đồng/ký. Tôm nước hai dòng (được giải thích là loại tôm sống ở nơi nước biển chảy vào, nước sông chảy ra phía cửa biển) có 140.000 đồng/ký.

Có chị mang cả thùng mực ống ra bể rửa, có anh khía cá cho lên than nướng sơ, em bé nhỏ giúp mẹ phân loại tôm, cua, cá, mực.

< Nướng cá sơ chế trước khi mang đi xa.

Do đánh bắt gần bờ nên hải sản thu được cũng rất "thập cẩm", con lớn, con bé lẫn lộn, khách kỹ tính thì chọn lựa, khách dễ thì mua cả mớ nào bề bề, ghẹ, cá với giá rẻ giật mình. Mỗi người mỗi việc, bận rộn, ồn ào, xôn xao cả buổi bình minh.
Dulichgo
3. Lâu rồi tôi mới tìm lại cho riêng mình một buổi sáng đi loăng quăng với máy ảnh. Ngày trước thấy gì cũng giơ máy lên chụp, bây giờ đeo vào cổ tựa như đồ trang sức, chứ ảnh thì chụp vài bức cho vui.

Tôi thích được trò chuyện và hít thở cái không gian phố biển với ngư dân hơn thay vì cứ lẳng lặng tìm những góc chụp để lưu dấu vào thẻ nhớ. Lại gần một chiếc thuyền đậu lơ lửng trên bờ cát, tôi tìm cách bắt chuyện với đám trẻ con đang nô đùa trên sóng.

< Một quầy hàng khô với món đặc sản nem chua Thanh Hóa.

Hôm nay là sinh nhật Đức, cậu bé mới tròn 1 tuổi, đi chưa vững nhưng một người họ hàng đang dắt em ra lội sóng. Tôi không thấy em có vẻ gì sợ hãi mà thậm chí rất háo hức và phấn khích khi được đưa ra biển.

Không phải hôm nay, không phải ngày mai nhưng tôi biết em nhất định sẽ trở thành một ngư dân Hải Tiến cừ khôi...

Thông tin cho nhóm chạy xe riêng:

- Từ Hà Nội, đi dọc quốc lộ 1A,tới cầu Tào Xuyên rẽ trái, đi thêm 15km là tới biển Hải Tiến (mất khoảng 4 giờ). Để tiết kiệm thời gian hơn (khoảng 1 giờ), ôtô có thể di chuyển theo cao tốc mới Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.

< Có một công viên trẻ em nho nhỏ ngay trên bờ cát, giữa rừng phi lao.

Tùy trục đường có thể chọn ăn sáng hoặc món bánh cuốn Phủ Lý hay món bánh đa cá rô ở Ninh Bình.
Dulichgo
- Nếu đi xe khách:

Đón xe ở bến Giáp Bát (xe Cương Lĩnh) hoặc Mỹ Đình (xe Thắng Diễn) là xe khách giường nằm, mỗi sáng chiều có một chuyến đi (10g sáng, 4g chiều) và về với mức giá khoảng 100.000 đồng/người.

Vào ngày lễ, giá vé có thể tăng đến 150.000 đồng/người. Hai nhà xe này có thể đón, trả khách tận nơi tại nhà nghỉ, khách sạn ở Hải Tiến.

- Nếu đi tàu:

< Biển xanh và còn đậm chất hoang sơ.

Mua vé tàu xuôi nam đi đến ga Thanh Hóa từ Hà Nội, sau đó đón taxi đến biển Hải Tiến (chừng 20km)

- Nhà nghỉ: Biển Hải Tiến có nhiều nhà nghỉ bình dân với chi phí dao động khoảng 300.000 đồng/ngày đêm. Khu nghỉ Eureka Linh Trường cho thuê phòng dạng căn hộ với chi phí cao hơn nhưng bù lại bạn có thể tự do đi chợ mua hải sản về tự nấu nướng và thưởng thức.

- Ăn uống: Bình dân và bình quân 100.000 - 120.000 đồng/người/bữa
- Đặc sản: Hải sản và nem chua.

Theo Giang Nguyên (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Trải nghiệm khó quên ở đảo Bình Hưng

Ngắm bình minh ở hải đăng Hòn Chút, đắm mình ở các bãi tắm đẹp hoang sơ, thưởng thức hải sản tươi ngon… là những trải nghiệm nên thử khi đến đảo Bình Hưng.

Xã đảo Bình Hưng nằm cách đảo Bình Ba không xa, thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

Để đến được Bình Hưng, bạn có thể xuất phát từ Cam Ranh theo quốc lộ 1A hướng về Ninh Thuận, từ đó men theo tuyến đường đi biển Bình Lập - Bình Tiên đến Bãi Kinh hoặc chạy theo quốc lộ 702 đi vịnh Vĩnh Hy từ Phan Rang (Ninh Thuận), sau đó đến Bãi Kinh, rồi thuê thuyền sang đảo.

Bình Hưng được ví với cái tên trìu mến “hòn ngọc thô” giữa biển Cam Ranh, luôn tạo cho du khách những cảm nhận đặc biệt và nhiều trải nghiệm lý tưởng.

Ngắm bình minh ở hải đăng Hòn Chút
Dulichgo
Hải đăng Hòn Chút nằm trên núi Hòn Bù, cách làng chài không xa, chỉ mất khoảng 10 phút đi xe điện. Đây là địa điểm lý tưởng để thực hiện các chuyến đi bộ, leo núi hoặc có thể ngắm bình minh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp buổi sớm mai khi ánh mặt trời dần dần đỏ rực trên nên trời, phản chiếu lấp lánh trên mặt biển hoà trong biển mây và núi non trùng điệp, tạo cho khung cảnh buổi sáng ở nơi biển đảo thật thơ mộng và trữ tình.

Hòn Chút không chỉ mời gọi du khách đến để thưởng ngoạn bình minh mà còn quyến rũ người lữ hành đến chiêm ngưỡng, khám phá phong cảnh, leo núi Hòn Bù giữa ban trưa và cắm trại qua đêm…

Tận hưởng không khí buổi sớm mai ở làng chài

Ngồi thưởng thức buổi sáng ở làng chài với những món ăn bình dân như bánh căn, bánh xèo, bánh canh chả cá… và ngắm dòng người qua lại, đâu đó ngư dân đang sải những cánh tay chèo thúng nhanh chóng đưa vào bờ, xa xa là tiếng máy thuyền inh ỏi cũng đang vươn mình cập bến, kịp cung cấp hải sản cho người dân và du khách.

Buổi sáng yên bình phút chốc trở nên sinh động và hoạt náo hẳn ra. Nào là tiếng thuyền máy, khua thúng, tiếng đồng thanh của những chàng trai khiêng những thúng cá nặng, lời qua tiếng lại trả giá của tiểu thương hay tiếng nói cười đùa rơm rả của khách tham quan, người dân địa phương hoà trong tiếng sóng vỗ nhịp nhàng tạo nên bản hoà nhạc được cất lên giữa biển khơi.

Du dương trên những bãi vắng còn hoang sơ
Dulichgo
Ở Bình Hưng có khá nhiều bãi tắm đẹp và hoang sơ, thích hợp cho du khách tắm biển, du dương trên các bãi vắng và tận hưởng hương vị biển cả, cảm nhận cái vị mặn của nước biển, tiếng sóng vỗ từng đợt vào vách đá. Trong đó, phải kể đến là bãi Trứng, bãi Sạn, bãi Chuối, bãi Robinson, bãi Ông Già, bãi Kinh, suối nước ngọt…

Nếu bạn đi theo đoàn, nhóm có thể thuê tàu riêng trong nửa ngày để tham quan một số địa danh này với mức giá khoảng 1 triệu đồng cho chuyến đi từ 15 đến 20 người. Trên mỗi chặng, bạn có thể yêu cầu các anh lái tàu dừng lại lâu hơn để khám phá san hô, tắm biển, cắm trại, thưởng thức những bữa tiệc nhỏ do mình tổ chức… Ngoài ra, bãi Kinh, nơi xuất phát ra đảo, là lựa chọn tuyệt vời nhất đối với hầu hết du khách mà không phải tốn chi phí thuê tàu.

Ghé thăm những địa danh truyền thống

Sẽ kém phần thú vị nếu chuyến đi của bạn đến Bình Hưng chỉ tập trung ở Hòn Chút, các bãi biển hay ngồi nghỉ mát ở nhà bè. Hãy dành chút thời gian để ghé thăm một số địa danh mang đậm nét đẹp văn hoá trong cộng đồng dân cư vùng biển như lăng ông Nam Hải, miếu Bà, đình làng Bình Hưng… để tìm lại giây phút bình yên, tìm hiểu thêm về văn hoá hay chỉ để tịnh tâm, thư thái trong sự tĩnh lặng ở chốn linh thiêng ở chùa Bình Hưng.

Thưởng thức hải sản tươi ngon
Dulichgo
Vi vu ở nơi biển đảo, những món quà hải sản tươi ngon sẽ làm du khách phải nao lòng và mang lại cho chuyến hành trình của bạn đầy mãn nhãn hơn. Đến Bình Hưng, bạn cũng đừng bỏ qua những món ngon đặc sản của địa phương như tôm hùm nướng, nhum biển nướng mỡ hành, mực tiêu nướng sa tế, cá bớp nướng muối ớt, nhiều loài ốc… ở các nhà bè nằm ngay giữa biển như Trường Sa, Phan Rang, Hồng Nhàn, Hưng Phát…

Buổi trưa ngồi nghỉ mát tại các nhà bè ở đây, ngồi ngắm dòng người qua lại trên những chiếc thuyền đưa du khách từ Bãi Kinh sang đảo, bất chợt cơn sóng biển mạnh đập mạnh khiến bất cứ ai đứng trên nhà bè đều phải chao đảo và tận hưởng trong hương vị ẩm thực miền biển thì quả thật rất tuyệt vời.

Theo Xuân Lộc (Ngôi Sao)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS