Cuộc đời là những chuyến đi

RSS

About

Bên cửa Ba Lạt

(DNSG) - "Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Em ở phương xa nơi con sông Hồng chảy về với biển"


< Cửa Ba Lạt mênh mông nước đỏ.

Hai câu hát tình tứ trong bài Gửi em ở cuối sông Hồng của nhạc sĩ Thuận Yến như giới hạn điểm đầu và cuối của dòng Hồng Hà trên dải đất liền miền Bắc. Cụ thể hơn, Lũng Pô, A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) chính là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt và cửa Ba Lạt (huyện Giao Thủy, Nam Định) tiễn dòng sông về với biển. Ai đã từng một lần đến cửa Ba Lạt sẽ bị choáng ngợp bởi sự bao la, rộng dài của trời đất, sông, biển...

1. Sông Hồng bao đời nay đã đi vào thơ, vào nhạc cùng các mỹ từ đầy cảm xúc. Với những kẻ hay lang thang thì dòng sông Hồng với chiều dài 510km chảy trên dải đất Việt đã thôi thúc tìm đến khám phá, chiêm ngưỡng. Chúng tôi từng đứng trên đỉnh cao Lũng Pô để nhìn dòng sông Hồng uốn lượn chảy vào đất mẹ. Chảy qua bao núi đồi, thác gềnh, dòng Hồng Hà mang đến vẻ đẹp hùng vĩ khiến những kẻ thích ngắm, thích đi cứ lâng lâng tự hào.

< Con đường bê tông vắt qua Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Dulichgo
Từ Hà Nội, cái mênh mông trời rộng sông dài bắt đầu hiện ra. Cả một miền đồng bằng phì nhiêu, ôm ấp lấy dòng sông. Sông giờ đây không còn thét gào, tung bọt nữa mà bình lặng chảy qua Thủ đô, xuôi về Phố Hiến, rồi cắt ngang điểm giáp ranh hai tỉnh Thái Bình - Nam Định với cây cầu Tân Đệ. Trước khi về tới Vườn quốc gia Xuân Thủy để đổ ra cửa Ba Lạt, sông Hồng đã mang phù sa màu mỡ về cho vựa lúa lớn nhất miền Bắc.

Dòng sông dẫn lối dần đưa chúng tôi về với miền biển với những cảm giác là lạ quen quen. Từ thị trấn Ngô Đồng xinh đẹp của huyện Giao Thủy ra tới cửa Ba Lạt là con đường trải nhựa phằng lì chạy giữa cánh đồng bao la, ngút ngàn, điểm xuyết là nét cổ kính của những giáo đường giữa nền trời xanh cuối Thu.

Những gì đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ quá quen thuộc vẫn còn đó, nhưng cảm giác cơn gió biển mang theo hơi muối cùng hương rừng sú, rừng đước đã thấp thoáng...

2. Ở những đầm nước lợ chỉ có cây sú, cây đước là sống được. Vẻ đẹp của những cồn đước xanh tươi giữa vùng đầm phá ven biển thật bắt mắt. Con sông Hồng đến cửa Ba Lạt đã được pha trộn thành dòng nước lợ với gam màu đặc trưng. Cả một vùng nước lợ, với những đầm phá, kênh rạch, rừng sú, rừng đước chằng chịt như mạng nhện đã tạo thành Vườn quốc gia Xuân Thủy. Nơi đây nguồn thủy hải sản phong phú và cũng là điểm đến của những đàn chim di trú từ phương Bắc.

Nhiều người biết Xuân Thủy đơn thuần là một Ramsar duy nhất của Việt Nam suốt 16 năm (1989 - 2005), từ 2005 Việt Nam có khu Bàu Sấu là Ramsar thứ 2, rồi Ramsa Côn Đảo thứ 6, Ramsa Láng Sen thứ 7. Người ta thường kéo về Xuân Thủy để chụp ảnh các loài chim.

< Nhà thờ Giao An.
Dulichgo
Anh Trần Hưng - một nhiếp ảnh gia lão làng chuyên chụp chim, nhắc chúng tôi: "Muốn thấy những đàn chim rợp trời phải đi đúng mùa chúng di trú (khoảng bốn tháng mùa Đông). Nhưng để ngắm chim tốt nhất thì các bạn phải thuê thuyền đi dọc khu Cồn Lu, Cồn Lặc mới thỏa con mắt".

3. Biết về Xuân Thủy hơi sớm nên sau cuộc trò chuyện với anh Trần Hưng ở Ecolife Giao Xuân, chúng tôi quyết định tìm một hướng đi khác. Không thuê thuyền, chúng tôi quyết định lang thang qua các làng xóm nơi sông và biển đang dần dần ôm ấp lấy nhau. Chỉ mới đi vài kilomet, chúng tôi đã nhận thấy mảnh đất bên cửa Ba Lạt có nhiều nét rất thú vị.

Những giáo đường cổ kính, cao vút giữa đồng lúa bao la gây chú ý đặc biệt. Giáo xứ vùng Giao Thiện, Giao An đã hình thành trên một trăm năm. Nhà thờ ở vùng quê này không chỉ hoành tráng, mà kiến trúc cũng rất độc đáo. Riêng ở Giao Thiện, ngoài nhà thờ Phú Thọ, Hoành Đông thì còn có nhà thờ của riêng một số dòng họ.

< Chợ cá Giao Hải ban sớm.

Chúng tôi đã được dân bản địa dẫn đi xem các giáo họ nổi tiếng trong vùng như giáo họ Hoành Tam, Xa Nam, Phú Ninh, Phú Đường, Phú Hương. Nhà thờ giáo họ cũng đồ sộ không kém nhà thờ giáo xứ. Đặc biệt kiến trúc mỗi nhà thờ đều khác nhau và toát lên vẻ độc đáo riêng. Điều đó chứng tỏ Thiên chúa giáo đã từng rất thịnh trị ở nơi này.

4. Nhà thờ là công trình chung của giáo xứ, giáo họ, còn nhà cói lại là kiến trúc độc đáo của một số hộ dân trong vùng. Thực chất đây là những ngôi nhà cấp bốn, nhưng thay vì lợp ngói, người ta lợp bằng cây cói.

Chỉ có vùng Tiền Hải Thái Bình và Giao Thủy Nam Định hiện nay vẫn còn những ngôi nhà lợp cói truyền thống. Chúng tôi thấy mái cói ở những ngôi nhà tại vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy như tại xã Giao Xuân dày từ 80cm đến 1m.
Dulichgo
Theo cụ Lê Thanh, 82 tuổi, ở Giao Xuân, cói phải lợp dày để chống tốc mái khi bão ập tới. Nhà lợp cói rất mát vào mùa Hè, ấm khi Đông tới bởi loại cây này thân xốp, cách nhiệt rất tốt. Nhiều người ở xa tới đây hay tò mò tìm nhà lợp cói để tham quan, tìm hiểu.

< Cồn Lu với những con thuyền và vô vàn chòi canh ngao.

Phải mất gần hai ngày chúng tôi mới khám phá được những công trình kiến trúc độc đáo nơi đây, từ nhà thờ, đền, chùa, miếu cho đến nhà cói lâu năm.

5. Bên cửa Ba Lạt nơi sông hòa mình với biển cũng là mảnh đất mưu sinh của bao người, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Sản vật phong phú, nhưng người dân nơi đây quanh năm vất vả, chẳng giàu sang gì. Để cào con ngao, bắt con cá, mò con cua thôi, người dân đã phải dầm mình trong bùn đất, trong dòng nước lợ, nước mặn và chịu cái nắng gió khắc nghiệt miền biển. Họ vất vả đến tận cuối đời.

Chúng tôi đã gặp không dưới vài lần hình ảnh những lão nông vác cần câu vào vùng nước lợ mưu sinh. Những con người già nua này chỉ mong sau một ngày có được đôi ba cân cá mang về chợ bán lấy tiền cho con cho cháu ăn học để mong chúng đổi đời. Đi dọc vùng đất mặn mòi này, chúng tôi không thể nào quên hình ảnh các chị, các cô lặng lẽ ngâm mình ở đầm phá để vớt rong câu. Vớt rồi lại phải phơi, phơi khô thì thu về, công việc hằng ngày cứ thế, suốt từ sáng đến tối nhưng chỉ có 100 ngàn đồng tiền công.

Một chị ngồi nghỉ đôi phút tâm sự với chúng tôi: "Làm nghề vớt, phơi rong câu còn khổ hơn cào muối. Quần mưa, ủng nhựa cũng không chống được nước đầm bùn mặn. Mỗi ngày đi làm, bọn tôi phải dầm mình 9 tiếng đồng hồ dưới nước, từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều". Những phụ nữ ở miền này còn biết làm gì ngoài vớt, phơi rong câu, cào ngao, vạng, bắt cua, bắt ốc?

Hoàng hôn buông xuống, bóng người lam lũ vẫn lặng lẽ mưu sinh. Nỗi vất vả của họ hòa quyện dần vào bóng tối để ai đó chợt bất giác bồi hồi, xót xa...

Theo Diệp Băng (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét