Cuộc đời là những chuyến đi

RSS

About

Nham Biền tú khí

Một ngày đẹp trời, chúng tôi tìm về Yên Dũng, một vùng đất cổ địa linh nhân kiệt nằm ở phía nam tỉnh Bắc Giang, nổi tiếng với dãy Nham Biền (Biền Sơn) 99 ngọn (Cửu thập cửu phong). Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng thời phong kiến như hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích (xã Song Khê), nơi ẩn chứa và phát tích tinh hoa của nhiều thế hệ với hàng chục tiến sĩ làm nên niềm tự hào của một vùng quê hiếu học.

Dãy núi Nham biền chạy theo hướng Đông-Tây. Phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh với ranh giới là sông Cầu, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương với ranh giới là sông Lục Đầu, phía Bắc giáp huyện Lục Nam và phía Tây giáp thành phố Bắc Giang. Đỉnh cao nhất là Vua Bà (hay còn gọi là Non Vua). Anh cán bộ Phòng Văn hóa huyện đi cùng giới thiệu: Nơi này linh khí rất mạnh, chỉ vào những ngày đẹp trời mới nhìn thấy ngọn, còn những hôm mù trời, đỉnh ấy bị mây mù che phủ. Đỉnh Vua Bà cao khoảng 300 mét so với mặt nước biển.

Chúng tôi bắt đầu leo núi, đường rất khó đi bởi dốc khá cao, trơn trượt. Núi ở trong khu vực này đều là đá gan trâu, gan gà, ghềnh đỏ. Hai bên lối mòn là những cây cỏ mọc thấp như sim, mua, ràng ràng, cỏ lau… Leo gần lên đến đỉnh cũng thấm mệt, mồ hôi ai nấy đều túa ra, mặt đỏ văng. Bỗng nhiên, một không gian thoáng đãng mở ra trước mặt. Luồng gió mát rượi thổi vào mặt khiến cái nóng, cái mệt dường như tan biến. Chúng tôi đã lên đến đỉnh núi. Phóng tầm mắt ra xa là cả một màu xanh của những cánh rừng trồng tái sinh và những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Phía tây sườn núi có rất nhiều hồ nước, được tạo bởi những ngọn núi nhỏ dưới thấp quây thành.

< Trên đỉnh Vua Bà có thể ngắm cảnh đẹp hương thôn trong dãy Nham Biền.

Hồ Bờ Tân ở trên sườn núi có màu xanh thăm thẳm, màu xanh của núi, của rừng. Mặt hồ phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ, in bóng những rặng cây. Tôi đã từng nghe kể: Nơi đây thực sự là chốn thiên đàng của các loài chim. Cứ mỗi khi chiều tà, từng đàn chim lũ lượt trở về quây quần ríu rít, bận rộn bên tổ ấm và đàn con. Anh cán bộ văn hóa huyện hào hứng khoe: “Leo lên đỉnh núi này thật tuyệt. Không chỉ ngắm toàn cảnh những ngọn núi khác, những rừng cây, cánh đồng, toàn cảnh thị trấn Neo lúp xúp nhà cao tầng mà còn được hưởng không khí trong lành tuyệt vời như chốn bồng lai. Nhiệt độ trung bình giữa mùa hè ở đây chỉ khoảng 28-300C”.
Dulichgo
Tôi từng được nghe nói về bài thơ “Nham Biền tú khí” ca ngợi dãy núi kỳ vĩ linh thiêng này, trong đó nhắc đến núi Vua Bà. Đó là một bài thơ chữ Hán hay, đầy cảm xúc, đến nay vẫn không rõ tác giả:

“Vua Bà tú khí chủ Biền Sơn,
Nham nguyệt thiền môn thắng tích tồn.
Thanh phong tùng bách lưu Phật tự,
Hoàng vân đại các trấn hương thôn.”

< Đền Thanh Nhàn – nơi thờ tự thái sư Trần Thủ Độ.

Tạm dịch nghĩa:

“Đỉnh Vua Bà là nơi tụ khí của dãy Biền Sơn,
Cảnh đẹp thiền môn Nham nguyệt vẫn còn đó.
Nơi đây tùng bách gió lành lưu chùa thờ Phật,
Lầu gác, mây vàng tô đẹp cảnh hương thôn.”

Tương truyền, tên núi bắt nguồn việc thái sư Trần Thủ Độ rước vua Lý Chiêu Hoàng về ngự ở đây xem ngài trừ quái vật rắn thần. Từ đó núi có tên Non Vua hay Vua Bà. Đỉnh Non Vua có bãi phẳng rộng, có ao chứa nước, tương truyền đó là cung điện vua ngự. Dưới chân núi, đường lối quanh co, lau lách um tùm, có Giếng Tiên, Ngòi Tiên, Ao Tiên, quanh năm nước đầy ăm ắp, cạnh Bàn Cờ Tiên có Suối Tiên, nước chảy róc rách tạo ra những khúc nhạc du dương lòng người.

Núi Non Vua còn gắn với truyền thuyết, năm xưa có nhà vua đi tìm đất đế đô. Đến nơi này, thấy vương khí, nhà vua mừng lắm. Chợt có một đàn chim phượng hoàng 100 con bay về đậu ở các ngọn núi, nhưng dãy núi Nham Biền chỉ có 99 ngọn, những con bay trước, mỗi còn đậu trên một ngọn núi, con bay sau cùng thiếu chỗ đậu nên bay đi khiến cả đàn bay theo. Tuy không phải là vùng đất đóng đô được nhưng đây cũng là vùng đất quý. Cũng bởi vì truyền thuyết trên mà dãy Nham Biền còn có tên Phượng Hoàng.

< Tấm bia gan trâu độc đáo  tại chùa Kem.
Dulichgo
Xưa kia, nơi đây có am cổ của Hoàng Bà xây dựng từ thời Trần để thờ Phật, nhưng do sự tàn phá của thời gian và của cả con người nên giờ đây dấu tích không còn. Nếu được đầu tư, tu tạo, nơi đây sẽ là di tích tâm linh, thắng cảnh tuyệt trần.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến đền Thanh Nhàn thuộc thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn. Ngôi đền có dáng vẻ uy nghi, cổ kính, nơi thờ tự thái sư Trần Thủ Độ, người có công lớn sang lập ra nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ông có câu nói nổi tiếng: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”.

Thần tích của đền có ghi lại: Xưa kia, vùng Nham Biền còn rậm rạp, nơi đây là Thanh Mộc Ấp của Thanh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung và là hậu cứ quan trọng của nhà Trần. Trong khe núi có một con rắn khổng lồ thường xuống làng bắt người ăn thịt làm cho người dân hoang mang, lo sợ. Nghe dân nói, thái sư đã lập kế nhử rắn ra khỏi hang và giết chết, mang lại sự yên bình cho nhân dân quanh vùng. Nơi đó đến nay vẫn còn gọi là Khe Rắn. Thái sư còn dạy dân chế tạo ra cạm bẫy để bẫy thú phá hoại mùa màng. Tưởng nhớ công lao của ông, sau khi ông qua đời, dân trong vùng đã lập đền ở nơi ông hạ trại nghỉ ngơi và lấy tên là Thanh Nhàn Từ. Hàng năm vào ngày hội, dân vẫn duy trì tục đánh rắn xưa để tri ân người xưa giúp dân trừ diệt xà tinh.

< Sùng Nham tự.

Chúng tôi tiếp tục đến chùa Kem (Sùng Nham tự) ở xã Nham Sơn. Ngôi chùa tọa lạc trên khu đất rộng rãi, cao ráo nằm dựa lưng vào dãy Nham Biền hùng vĩ. Qua nhiều lần tu sửa, chùa mới có dáng vẻ uy nghi như ngày nay. Trong sân chùa vẫn lưu giữ được tấm bia cổ bốn mặt và tấm bia bằng đá gan trâu rất độc đáo được lấy từ chính vùng đất Yên Dũng.
Dulichgo
Nội dung văn bia trên tháp Thanh Phong tại chùa Kem cho biết: chùa được xây dựng vào năm 1557, vị sư tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế theo dòng thiền phái Trúc Lâm. Hệ thống tượng Phật cổ kính và linh thiêng vẫn được gìn giữ đến ngày nay.

Chùa Kem (Sùng Nham tự) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo mà còn là di tích lịch sử. Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã đóng quân ở ngay phía sau vườn chùa, xây đắp lũy, luyện tập quân sự làm khu căn cứ chống Pháp. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xã Nham Sơn trở thành khu du kích.

< Phối cảnh Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.

Nhận thấy những giá trị đặc biệt về lịch sử truyền thống, nơi địa linh của vùng đất Nham Biền kỳ vĩ, thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự tỉnh Hội Phật giáo Bắc Giang và UBND các cấp đã đồng thuận cho phép Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên làm chủ đầu tư xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng trong khu vực núi Đền Vua, tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng thông qua phương thức xã hội hóa. Công trình có tổng diện tích 10ha, bao gồm những hạng mục chính như: Tháp chuông, lầu trống; Nhà chính điện; Nhà thờ tổ; Nhà trưng bày, nhà khách; Thiền đường và các công trình phụ trợ.

Sau khi xây dựng xong, công trình sẽ là nơi lưu giữ nhiều thư tịch, văn hóa Phật giáo đặc sắc và giá trị, phục vụ cho tất cả mọi người có nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật. Bên cạnh đó, tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ, phát huy và tiếp nối tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm.

< Ca nương Nguyễn Thị Hương thể hiện tiết mục ca trù “Đào hồng, đào tuyết”.

Rời chùa Kem, chúng tôi tiếp tục hành trình đến thị trấn Neo – Trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Yên Dũng. Nơi đây vẫn gìn giữ được nhiều di tích đình, đền, chùa đồng thời lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu.
Dulichgo
Đình Ba Tổng vẫn còn lưu giữ tấm bia quý thời Mạc ghi công những người hưng công xây đình. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến buổi sinh hoạt của CLB ca trù Yên Dũng. Ca nương Nguyễn Thị Hương cho biết: Ngoài việc tập luyện nhuần nhuyễn những bài hát đã được học, CLB còn sưu tầm sách, đĩa VCD, thu âm các chương trình hát ca trù trên sóng phát thanh nhằm có được các hình thức thể hiện phong phú, đặc sắc nhất trong nghệ thuật ca trù. Hiện nay CLB có 2 cuốn sách về ca trù được lưu giữ từ nhiều năm, các thành viên trong CLB cũng đã biểu diễn tốt khoảng 15 tiết mục hát ca trù, với nhiều giọng khác nhau, như: Sông Thương nước chảy đôi dàng (hát sẩm huê tình); Đào hồng, đào tuyết; 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (hát nói); Thư tình không viết (hát gửi thư); Hát Ru (điệu hát giai, ru)…Cùng với việc tập, CLB cũng thường xuyên tiếp nhận các thành viên mới đam mê môn nghệ thuật này”.

< Tranh gốm Làng Ngòi mang đậm chất dân gian.

Sẽ là thiếu sót nếu đến Yên Dũng mà không đến chiêm ngưỡng gốm Làng Ngòi. So với gốm cổ truyền Việt Nam thì gốm Làng Ngòi còn rất mới mẻ nhưng đã sớm khẳng định được thương hiệu bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất mang đậm tâm hồn người Việt. Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến và cũng là ông chủ cơ sở sản xuất gốm dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu: Gốm Làng Ngòi có hai màu đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Gốm Làng Ngòi tạo ra cái lạ, cái ngộ nghĩnh. Nhưng nét đặc sắc và được ưa chuộng nhất và cũng là thế mạnh của gốm Làng Ngòi là tranh tường khổ lớn đắp nổi.

Chất dân gian của gốm Làng Ngòi thể hiện qua những hình tượng con sông, bến nước, sân đình, đến hình tượng thằng bờm - phú ông, lão nông tri điền, thôn nữ mò cua bắt cá và cả những hình tượng văn học như Chí Phèo, Thị Nở, Lão mù xem bói, chú Tễu... Mỗi sản phẩm đều là sự kết tinh của niềm đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn cùng tình yêu quê hương, đất nước, yêu nền văn hoá dân gian và của đôi bàn tay tài hoa sáng tạo của người nghệ sĩ.

Đăng Lâm (Dulich.Bacgiang)
Du lịch, GO!

Núi Vua Bà trên dãy Biền Sơn

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét