Cuộc đời là những chuyến đi

RSS

About

Làng Hến sông La

(BHT) - Trong cái nắng vàng nhạt của những ngày cuối năm, đứng trên cầu Thọ Tường nhìn xuống, dòng La hiền hòa như một bức tranh sơn thủy hữu tình với những làng quê trù phú đôi bờ. Dòng sông La đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao người con ưu tú của Đức Thọ, tưới mát ruộng đồng và cho bao sản vật ngọt ngon. Hến là một trong số đó.

< Nghề làm hến ở thôn bến Hến, xã trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) được duy trì quanh năm, chính vụ nhất là vào tháng 3-4.

Làng Hến nằm ngay bên bờ sông La, thuộc xã Trường Sơn với khoảng 200 hộ và hầu như người dân trong làng đều sống bằng nghề làm hến. Ngay từ cái tên xóm, tên làng cũng đã nhắc nhớ người dân nơi đây biết bao vui buồn về một thời gian khó mưu sinh và đi lên từ con hến. Bên cạnh nghề làm hến, người dân còn làm thêm những nghề khác như: nung vôi, đóng thuyền và buôn bán.

< Dân làng đi cào hến theo hộ gia đình, trung bình mỗi hộ có khoảng 5 người hỗ trợ nhau. Ngày xưa, dụng cụ cào hến được làm bằng cào tre, chiều dài tùy vào độ sâu của sông, có cào dài hơn 5 m. Nay kinh tế khá giả hơn, nhiều gia đình đã đầu tư thuyền máy với vợt sắt và lưới dù để đi cào hến. Trung bình một chuyến đi sông, mỗi thuyền vớt được vài trăm kg hến.

Sáng tinh mơ, tấp nập từ trên bến Hến là cảnh kẻ mua, người bán. Nhìn những thúng hến đầy ắp, thơm ngọt đang chuẩn bị theo thuyền bè, quang gánh của các chị, các o ngược xuôi về khắp miền quê, ra tận thị thành, ít ai biết được rằng, đằng sau đó là bao nhọc nhằn, vất vả của người dân làng Hến.

< Hến chủ yếu được khai thác xung quanh khu vực sông La, đoạn chảy qua huyện Đức Thọ. Đàn ông chịu trách nhiệm đi cào hến, việc nấu hến, chao hến, đưa đi chợ bán dành cho phụ nữ.

Bác Lê Kim Trọng - Trưởng thôn cho hay, nghề làm hến ở làng này có từ lâu lắm rồi, không ai nhớ rõ; theo gia phả của dòng họ Lê Kim ở xã Trường Sơn thì nghề có từ cách đây trên 300 năm. Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm dong thuyền xuôi ngược các dòng sông bắt hến của đám trai làng.

< Hến được cào về, nhiều người trong gia đình tập trung nhặt cỏ rác lẫn vào, sau đó đưa đi đãi sơ bộ một lần trước khi nấu.
Dulichgo
Đến độ tháng 4, tháng 5 là mùa rộ khai thác hến; mùa đông, những người phu hến lại lui về nghỉ ngơi và tranh thủ khai thác ở những bến sông gần. Hến có hai loại: hến nước ngọt là loại thường có ở các vùng sông La, sông Lam, Ngàn Sâu, Ngàn Phố; hến nước mặn, nước lợ thường có ở vùng chân cầu Bến Thủy xuôi xuống.

< Hến được nấu bằng củi ngay tại bến. Theo kinh nghiệm, khi luộc phải để lửa rất lớn, cứ khoảng 30 phút thì sẽ luộc được một chảo.

Ngày xưa, cả làng đều làm hến theo kiểu thủ công, khai thác bằng thuyền gỗ, dụng cụ cào hến được làm bằng tre, mây. Người dân thường tổ chức theo từng đoàn, hội, giúp đỡ nhau làm ăn, mỗi thuyền chỉ được khoảng 5-7 tạ. Nhiều năm trở lại đây, máy móc và phương tiện hiện đại đã làm cho việc khai thác hến của người dân bớt cực nhọc hơn với thuyền trọng tải trên 24 mã lực, miệng vợt bằng sắt và lưới dù.

< Hến sau khi luộc còn nghi ngút khói sẽ được đổ ra thúng, sau đó đem xuống bến sông rửa lại một lần nữa cho sạch.
Dulichgo
Vợt cào hến được làm bằng khung sắt có chiều dài 1,2m, cao khoảng 20 cm, được bọc lưới dài khoảng 3m, nhủi có khoan nhiều lỗ. Khi cào, hến sẽ ở lại, cát trôi đi. Công việc đánh bắt hến nhờ đó chủ động hơn, không phụ thuộc vào thiên nhiên. Được mùa, mỗi ngày, một thuyền cào được một tấn giắt sống; có ngày dưới bến tập kết khoảng 70-80 tấn cung cấp cho 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

< Những mẻ hến còn nguyên vỏ được người dân cho vào rổ tre đãi sạn. Khi đãi hến, tay phải khuấy thật mạnh để cho ruột còn nằm trong vỏ bung ra.

Hến sống được tập kết về bến sông trong làng và được các o, các chị đãi thật sạch. Sau khi đãi, ngâm trong nước từ 8-10 tiếng đồng hồ để hến nhả hết cặn, bẩn. Đến 3h sáng hôm sau, những người làm hến lại tất bật thức dậy để chuẩn bị cho công việc quan trọng là luộc hến.

< Cứ vào chiều muộn, khi tan trường, các em nhỏ thường tập trung ra bến Hến chơi đùa, cùng hỗ trợ bố mẹ làm hến. Một số em còn đẩy xe kéo, chở theo những thúng hến đã được luộc qua để cho mẹ đãi.
Dulichgo
Hến được đổ vào chảo to để đun. Kỹ thuật luộc hến cũng đòi hỏi kinh nghiệm và bí quyết riêng, đun đủ “ba sôi, hai trào” thì dùng đũa khuấy đều cho hến “há miệng”, vớt ra để ráo và chuẩn bị cho công việc đãi lấy ruột. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại của người phụ nữ. Hến thành phẩm được các o, các chị chở đi bán khắp các chợ trong huyện, tỉnh và được thương lái về mua, nhập sang tận Nghệ An.

< Sau khi đãi, ruột hến trắng tinh. Công đoạn cuối cùng là nhặt sạn thêm một lần nữa trước khi đem về chế biến, đưa đi chợ bán. Hến thường được dùng để làm món xào xúc bánh đa, nhúng, nộm, lẩu, cháo, cơm hến... Anh Nguyễn Minh Hào, công chức ở làng bến Hến (xã Trường Sơn) cho hay, hến ở Trường Sơn có vị ngọt đậm đà, không hôi bùn, rất khác biệt so với các nơi khác.

Các bộ phận của hến hầu như đều được người dân tận dụng hết, ruột dùng nấu canh, xào với nắm lá hẹ xúc bánh đa hay nấu cháo, đổ bánh đúc. Nước hến ngọt mát nấu canh hay uống thay nước sôi. Vỏ bán để trộn làm thức ăn nuôi vịt, gà hoặc được nung làm vôi.

< Hến khai thác xong chủ yếu được đem đi bán ở chợ Hôm (Đức Thọ) và được một số thương lái thu mua. Thông thường, hến được giá nhất vào dịp hè, trung bình một kg hến vỏ giá khoảng 20.000 đồng, nếu đã qua chế biến giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Hiện tại, hến vỏ khoảng 5.000 đồng/kg, hến làm sạch được bán giá khoảng 60.000 đồng/kg.

Đời sống của người dân làng Hến nhờ đó không còn cảnh chạy ăn từng bữa, vươn lên thoát nghèo; nhà cửa khang trang hơn, tiện nghi đầy đủ. Nhiều gia đình làm giàu từ con hến như anh Trần Ngọc Quang, Lê Kim Thu, Thái Văn Thường…
Dulichgo
Con em trong làng được học hành đến nơi đến chốn. Tính từ năm 1990 trở lại đây, làng Hến có hơn 60 người tốt nghiệp đại học và hơn 50 người đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

< Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, nghề làm hến khá ổn định, trong 7 năm trở lại đây mang lại thu nhập khá cho bà con xóm bến Hến, trung bình nếu mùa vụ nào trúng, nhiều gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. "Xã đã thành lập các tổ hợp tác, hỗ trợ nguồn vốn đóng thuyền, sắm sửa máy móc để người dân yên tâm làm ăn, duy trì nghề truyền thống của cha ông", ông Tuyến nói.

Lênh đênh sông nước quanh năm, chỉ đến độ tháng 10 âm lịch, khi con hến hết mùa, những người phu hến mới được nghỉ ngơi bên gia đình và chuẩn bị sum họp tết cổ truyền. Ra giêng, những con thuyền lại tiếp tục lênh đênh để bắt đầu mùa hến mới.

Theo Báo Hà Tĩnh, Vnexpress
Du lịch, GO!

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét